Dự án Nhà máy điện gió Đại Phong (giai đoạn 1) có địa điểm tại xã Thiện Nghiệp và phường Mũi Né, TP. Phan Thiết vừa được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư hướng đến mục tiêu xây dựng nhà máy phát điện độc lập sử dụng năng lượng gió để phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia.
Đây là dự án do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đại Phong làm chủ đầu tư với tổng vốn là 1.320 tỷ đồng trên diện tích đất sử dụng tạm thời khoảng 12,7 ha, được tiến hành qua 2 giai đoạn và có thời hạn hoạt động trong 50 năm kể từ tháng 6/2018.
Theo đó, sau khi hoàn thành các thủ tục, giai đoạn 1 của dự án Nhà máy điện gió Đại Phong có công suất 20 MW (vốn đầu tư 660 tỷ đồng) dự kiến được nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trong quý IV/2019. Riêng giai đoạn 2 của dự án cũng với công suất 20 MW (vốn đầu tư 660 tỷ đồng) sẽ được Công ty CP Đầu tư Phát triển Đại Phong tiếp tục triển khai khi đủ điều kiện.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, đối với các nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch bổ sung, đến nay đa số đang thực hiện các công việc theo yêu cầu của UBND tỉnh. Có 5 dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, tổng diện tích 340ha, tổng công suất 177,48 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.981 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư (nguyên tắc), đã lập bổ sung Quy hoạch điện lực tỉnh, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương, tổng diện tích 350 ha, tổng công suất 250 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.608 tỷ đồng; 1 dự án đã lập bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, Bộ Công Thương đã phê duyệt,tổng diện tích 282ha, tổng công suất 200MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.191 tỷ đồng;
Còn có 43 dự án đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch điện lực bổ sung, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt, với tổng diện tích 2.817,65ha, tổng công suất 2.284,6MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 58.359 tỷ đồng.
Trong đó, có 7 dự án Bộ Công thương đã tổ chức họp thẩm định, với tổng diện tích 380 ha, tổng công suất 270MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 7.450 tỷ đồng; 13 dự án đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch điện lực bổ sung, gởi Sở Công thương, đang lấy ý kiến các sở ngành, địa phương để báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt, với tổng diện tích 1.467,3 ha, tổng công suất 1.055,6 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 30.644 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng Bình Thuận có 64 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng diện tích 5.257 ha, tổng công suất 3.967,7 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 107.783,4 tỷ đồng.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Nam Phong/ Cafef, Trí thức trẻ)