Để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về môi trường, tiêu chuẩn an toàn, và chiều lòng khách hàng muốn sở hữu các mẫu xe tốc độ, các hãng ôtô đã nghiên cứu và tung ra 10 giải pháp giúp cải thiện hiệu suất xe hơi dưới đây.
1. Kiểm soát lái từ tính Các bộ giảm xóc ôtô được lấp đầy bằng một loại chất lỏng lưu biến từ có chứa nhiều mảnh nam châm siêu nhỏ. Khi tiếp xúc dòng điện trường, những mảnh nam châm này sẽ ngừng trôi tự do, giảm xóc và giúp điều chỉnh tức thì cảm giác lái.
Công nghệ kiểm soát lái từ tính giúp giảm xóc và điều chỉnh tức thì cảm giác lái
Được áp dụng đối với: Corvettes, Cadillacs, Chevrolet Camaro ZL1, Ford Mustang Shelby GT350, Ferrari 599, Ferrari F12berlinetta, Ferrari California, Audi TT, Audi S3, Audi R8, Acura MDX, Acura ZDX, Range Rover Evoque…
2. Công nghệ đa khóa Một số mẫu xe hơi được trang bị nhiều khóa khác nhau để kích hoạt các tính năng khác nhau của xe. Ví dụ SRT Hellcat đi kèm hai chìa khóa xe: một đỏ và một đen. Chìa màu đỏ cho phép lái xe tận dụng tối đa công suất 707 mã lực của Hellcat, trong khi chìa màu đen giới hạn công suất ở mức có thể kiểm soát song vẫn đáng kể với 500 mã lực.
Một số xe được trang bị nhiều khóa khác nhau để kích hoạt các tính năng đa dạng của xe
Tương tự, công nghệ MyKey của hãng xe Ford cũng cho phép khách hàng thiết lập các thuộc tính cho xe bao gồm cảnh báo đai an toàn, giới hạn tốc độ tối đa, đặt nội dung hiển thị trên rađiô và cảnh báo sắp cạn nhiên liệu.
Được áp dụng đối với: Dodge Charger SRT Hellcat, Dodge Challenger SRT Hellcat, Ford.
3. Chân động cơ biến thiên Điều chỉnh tốc độ và chuyển hướng chuẩn xác không phải là một thao tác dễ dàng đối với mọi lái xe, nhất là ở những khúc cua gấp. Do đó, các nhà sản xuất ô tô đã thiết kế các chân động cơ để giữ động cơ ổn định trong suốt quá trình lái phức tạp, nhiều địa hình quanh co, tránh hiện tượng rung lắc, song vẫn tạo cảm giác thư giãn thoải mái cho khách hàng. Đặc biệt, hệ thống của mẫu Porsche 911 GT3 tương tự công nghệ lái từ tính, theo đó, độ vững chắc của những chân động cơ được quyết định bởi độ rung của chiếc xe.
Chân động cơ có tác dụng giữ động cơ ổn định và tạo cảm giác thoải mái cho lái xe
Công nghệ chân động cơ biến thiên được áp dụng đối với: Porsche 911 GT3.
4. Công nghệ dòng xe hybrid Những mẫu xe thể thao và siêu hybrid là giải pháp sáng tạo nhất đối với bài toán đi tìm xe công suất cao với lượng khí thải thấp ngày nay. Thông qua các môtơ điện, những mẫu xe này lấp đầy các lỗ hổng tại các power band (dải vòng tua) phát sinh bởi số vòng quay nhanh và thời gian trễ tăng áp. Ngoài ra, các môtơ điện còn hỗ trợ để những mẫu xe này có thể chạm tới công suất 1000 mã lực.
Tính năng nổi trội của các xe thể thao hybrid là công suất cao nhưng lượng khí thải thấp
Được áp dụng đối với: Ferrari LaFerrari, BMW i8, McLaren P1, Porsche 918 Spyder, Acura NSX…
5. Hộp số ly hợp kép Hộp số ly hợp kép sử dụng bộ đôi ly hợp cho các số chẵn và lẻ riêng biệt, theo đó, một ly hợp điều khiển các bánh răng cấp số lẻ (1, 3, 5 và số lùi), ly hợp còn lại điều khiển bánh răng gài số chẵn (2, 4 và số lùi). Hộp số này giúp bạn thao tác chuyển số nhanh hơn so với hộp số tự động hay hộp số tay. Hộp số ly hợp kép đặc biệt phổ biến ở các dòng xe thể thao bởi chúng có khả năng chuyển số nhanh và tăng tốc tốt hơn, và không làm gián đoạn hoạt động của động cơ.
Hộp số ly hợp kép sử dụng bộ đôi ly hợp hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau
Được áp dụng đối với: Porsche PDK, BMW M DCT, Audi S Tronic, VW DSG, Lamborghini LDF, Mercedes ANG SpeedShift, những mẫu xe McLaren hiện nay, Nissan GT-R, Mitsubishi Lancer Evo X.
6. Hệ thống thu dữ liệu vận hành Đây là sản phẩm công nghệ trình làng trong năm 2015 của hãng General Motors (GM). Hệ thống thu dữ liệu vận hành (PDR) hoạt động không chỉ như một camera trên bảng điều khiển mà còn như một hệ thống kiểm soát hành trình để giám sát tốc độ, phanh, khả năng tăng tốc, số xe đang cài, thời gian hoàn thành một vòng đua, góc điều hướng và chỉ số G-mét. Về cơ bản, bạn có thể gia nhập một đường đua sử dụng hệ thống PDR để ghi lại thành tích đua tốt nhất bạn đạt được, sau đó đua lại lần nữa để so sánh giữa các lần đua.
Hệ thống thu dữ liệu vận hành (PDR) là sản phẩm công nghệ năm 2015 của GM
Được áp dụng đối với: Chevrolet Corvette, Cadillac ATS-V, Cadillac CTS-V.
7. Công nghệ ngắt xylanh Để tăng cường khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giải pháp đặt ra là ngắt xylanh động cơ. Quá trình này còn được gọi là dung tích xylanh biến thiên bởi khi số lượng xylanh hoạt động thay đổi, dung tích xylanh cũng thay đổi theo. Đó là cách để những mẫu xe như Corvette với động cơ V8 lớn có thể tiết kiệm tối đa nhiên liệu trên đường cao tốc.
Công nghệ ngắt xylanh ra đời giúp tiết kiệm tối đa nhiên liệu cho động cơ
Được áp dụng đối với: động cơ V8 của Chrysler Hemi, động cơ V6 và V8 của GM, và động cơ V6 3,5 lít của Honda.
8. Chế độ Ludicrous Đây là phiên bản cập nhật mới của Tesla Model S P90D được trang bị chế độ Ludicrous với các nâng cấp về phần mềm, pin, và kết cấu mạch điện, giúp chiếc xe có thể tăng tốc từ 0 lên 100km/h chỉ trong vòng 2,8 giây.
Phiên bản mới của Tesla Model S P90D được trang bị chế độ Ludicrous
Được áp dụng đối với: Tesla Model S P90D.
9. Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động hoạt động dựa trên radar hoặc laser cảm ứng để xác định không gian xung quanh xe bao gồm các làn đường, tốc độ và khoảng cách với các xe khác. Một số hệ thống hoạt động thực sự hiệu quả, cho phép chiếc xe vận hành tự động với vận tốc khoảng 32km/h.
Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động được phát triển dựa trên radar và laser cảm ứng
Được áp dụng đối với: Jeep Grand Cherokee, Mercedes S-Class, BMW, Chrysler 200…
10. Chế độ Drift Đây là chế độ kiểm soát độ bám đường được ứng dụng trên mẫu xe Ford Focus RS phiên bản 2016. Theo đó, chế độ Drift cho phép tắt kiểm soát thăng bằng và chuyển sang ABS (hệ thống chống bó cứng phanh), vi sai cầu sau và giảm xóc.
Chế độ Drift giúp kiểm soát độ bám đường tốt hơn
Được áp dụng đối với: Ford Focus RS 2016.
(Nguồn: autopro.com.vn – Ngọc Anh)