Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng (ECC) tp. Hồ Chí Minh (TPHCM), 10 năm qua, ECC TPHCM đã thực hiện kiểm toán và tư vấn cho hơn 700 tòa nhà trên cả nước, trong đó có khoảng 300 tòa nhà tại TPHCM. Kết quả khảo sát mới nhất của ECC TPHCM cho thấy, mặc dù 90% các tòa nhà đã triển khai ít nhất là 2 giải pháp cho hệ thống chiếu sáng và điều hòa không khí nhưng hầu hết các tòa nhà chưa quan tâm đến khâu thiết kế ban đầu và thiết lập hệ thống quản trị năng lượng.
Ngày càng nhiều tòa nhà sử dụng vật liệu “xanh” để giảm thiểu khí thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng.
Quản trị năng lượng còn yếu
Các tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại là nhóm đối tượng tiêu thụ từ 35% – 40% của tổng năng lượng tiêu dùng. Theo ECC TPHCM, vài năm trở lại đây, các chủ đầu tư xây dựng công trình nhà cao tầng ở Việt Nam cũng đã quan tâm đến việc sử dụng công nghệ xanh, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà.
Cụ thể như: sử dụng gạch không nung, kính tiết kiệm năng lượng (TKNL), tường cách nhiệt, tận dụng tối đa ánh sáng, hệ thống thông gió tự nhiên và mảng không gian xanh cho các công trình… Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thì các tòa nhà của chúng ta còn yếu về thiết bị công nghệ, tụt hậu một thế hệ; chưa đạt được những tiêu chí về kiến trúc xanh.
Một trong những nhược điểm lớn của các tòa nhà tại Việt Nam là chưa mạnh dạn sử dụng những giải pháp về hệ thống điện năng lượng mặt trời, pin hydro… Ngoài ra, công tác quản trị năng lượng đối với các tòa nhà trong nước còn rất hạn chế.
Nói về TKNL tại các tòa nhà nói chung, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC TPHCM cho biết, so với các chi phí khác không thể cắt giảm như vật tư, vật liệu xây dựng… thì các tòa nhà hoàn toàn có thể điều chỉnh chi phí năng lượng và nhân sự. Trong đó, việc thực hiện TKNL không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao hình ảnh của tòa nhà. Thực hiện TKNL chính là thay đổi thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý.
“Đó cũng là cơ hội giúp cho việc quản trị năng lượng chuyên nghiệp hơn, sử dụng máy móc thay cho con người nên sẽ hiệu quả và chính xác hơn” – ông Tước nói. Hiện các tòa nhà, khách sạn có thể tiết kiệm đến 80% chi phí năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu cho sản xuất. Thực tế cho thấy, nhiều năm trước, chi phí năng lượng của các khách sạn trong hệ thống Saigontourist chiếm khoảng 20% trên tổng chi phí sản xuất. Sau khi áp dụng các giải pháp TKNL từ thiết bị đến quản trị, chi phí này chỉ còn trung bình khoảng 5% – 8%, cao nhất là 12%.
Mặc dù vậy, ông Tước cũng cho rằng, cần nhận thức khâu thiết kế kiến trúc ban đầu của tòa nhà có thể giúp tiết kiệm đến 30% năng lượng, do đó cần phải đầu tư thiết kế theo hướng hiệu quả nhất. Sau khi tòa nhà đã đi vào hoạt động, chúng ta sẽ tiến hành đánh giá tổng thể, toàn diện những chỉ số cơ bản như vỏ bọc công trình (kính, tường, mái…); hệ thống chiếu sáng, hệ thống lạnh, điều hòa không khí… từ đó tìm ra những thiết bị, khu vực đang lãng phí để đưa ra giải pháp khắc phục.
Với tốc độ tăng trưởng từ 6% – 7%/năm về tổng diện tích sàn của các tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng, nếu các chủ đầu tư chú trọng tất cả các giải pháp thiết kế hiệu quả năng lượng ban đầu, cùng với việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị TKNL phù hợp, thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho năng lượng rất lớn trong lĩnh vực này.
Chuyển biến tốt
Để khắc phục nhược điểm trong công tác quản trị năng lượng đối với các tòa nhà, theo ECC TPHCM, các nhà đầu tư nên đầu tư những thiết bị cơ điện tốt, theo vòng đời của một tòa nhà trong vòng 20 năm hoặc 30 năm, thì việc sử dụng thiết bị TKNL mới làm tăng hiệu quả kinh tế và rút ngắn thời gian hoàn vốn những thiết bị này. Các chủ đầu tư cần tìm những đơn vị tư vấn có năng lực và có hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực kiến trúc xanh để có những giải pháp tốt nhất, lựa chọn hệ thống quản trị năng lượng phù hợp.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện TKNL tại các tòa nhà mới được xây dựng thường tốt hơn, bởi các chủ đầu tư đã có những đầu tư lớn về thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nhằm tạo điều kiện cho các tòa nhà thực hiện TKNL, nhiều năm qua Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã có chương trình hỗ trợ tòa nhà thực hiện kiểm toán năng lượng để phát hiện lãng phí và đề xuất những giải pháp hợp lý cho từng doanh nghiệp nhằm giúp cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Việt Nam là nước đi sau về phong trào TKNL tuy nhiên nhờ vậy mà Việt Nam được thừa hưởng kinh nghiệm của các nước tiên tiến và việc thực hiện TKNL được tiến hành rất nhanh.
Thực tế cho thấy, hiện nay, bóng đèn sợi tóc hầu như không còn tồn tại cho việc thắp sáng trong các tòa nhà, bóng đèn compact cũng đang dần được thay thế bằng đèn led mang lại hiệu suất và tính thẩm mỹ cao. Điều này cho thấy, tính chủ động của các tòa nhà trong việc triển khai giải pháp TKNL và bắt nhịp rất nhanh các giải pháp TKNL.
“Việc chuyển biến từ nhận thức sang hành động là thành quả quan trọng nhất trong phong trào thực hiện TKNL cho đối tượng tòa nhà, khách sạn nói riêng và cả cộng đồng nói chung” – ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC TPHCM nói. Chính vì thế, ông Tước cũng cho rằng, việc các chủ công trình chú trọng đến khâu thiết kế kiến trúc hiệu quả năng lượng và triển khai hệ thống quản lý năng lượng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Nguồn SGGP)