Trái đất ngày càng nóng lên do hiệu ứng nhà kính gây ra. Để giảm bớt hiệu ứng này thì các nhà khoa học đã nghiên cứu làm sao để phát triển năng lượng tái tạo và giảm bớt khí CO2 thải ra.
Andrew Bocarsly – giáo sư hóa học của trường Princeton đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp dùng các tấm năng lượng mặt trời để chuyển hóa khí CO2 thành một loại nhiên liệu thay thế tiềm năng đó là axit fomic (HCOOH). Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Journal of Utilization.
Ảnh minh họa
Những tấm năng lượng mặt trời chuyển hóa CO2 và nước thành axit fomic do công ty điện Public Service Electric & Gas (PSE&G) cung cấp đã được đặt trên những trụ điện ở khắp tiểu bang New Jersey của nước Mỹ. Quá trình chuyển hóa này diễn ra trong những pin điện hóa đặt trong tấm năng lượng mặt trời.
Được làm từ các thành phần dễ gia công, pin điện hóa gồm các ngăn chứa chất lỏng bao bọc bởi các tấm kim loại kích thước bằng hộp đồ ăn hình chữ nhật. Thông qua một quá trình tối ưu hóa được gọi là dung hợp trở kháng, các chuyên gia đã có thể dung hợp điện được phát ra bởi tấm pin mặt trời với lượng điện năng mà pin điện hóa có thể xử lý để tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống.
Theo các nhà nghiên cứu, họ đã gần đạt đến hiệu suất năng lượng 2% bằng cách xếp chồng ba pin điện hóa với nhau. Họ tuyên bố con số này gấp đôi hiệu suất quá trình quang hợp tự nhiên và đây là thiết bị năng lượng nhân tạo đạt được hiệu suất cao nhất hiện nay.
Ngoài ra, muối format được tạo ra từ axit fomic cũng được ứng dụng để dọn tuyết trên đường băng của sân bay vì loại muối này không ăn mòn máy bay và không gây ảnh hưởng nhiều cho môi trường như muối clorua. Với lượng muối format ngày càng tăng, loại muối này được kỳ vọng trong tương lai sẽ ứng dụng rộng rãi thay cho loại muối thông thường.
“Sử dụng khí thải CO2 bằng các thành phần dễ gia công. Phương pháp này hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực chế tạo nhiên liệu mới trong tương lai”, Bocarsly nói.
(Theo Solar Daily)