Cái nhìn sâu sắc về việc Israel đề xuất đánh thuế đồ dùng bằng nhựa

Tháng Mười Một 25 06:00 2021

Israel – Jack “Tato” Bigio là nhà nghiên cứu về môi trường hàng đầu với hơn 20 năm kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh quốc tế và là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của UBQ Materials, công ty đã phát triển vật liệu sinh học đầu tiên trên thế giới (UBQ ™) được làm hoàn toàn từ rác thải sinh hoạt chưa phân loại. Công ty chuyển chất thải rắn của thành phố khỏi các bãi chôn lấp và biến nó thành một chất thay thế bền vững, hoàn toàn có thể tái chế cho nhựa có nguồn gốc từ dầu (oil-based plastics).

Các lệnh cấm hạn chế sử dụng nhựa và việc đánh thuế các mặt hàng làm từ nhựa trên toàn thế giới, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng có các hành vi có ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Hiện nay, chính phủ Israel đã đưa ra sáng kiến tăng thuế đối với đồ nhựa dùng một lần, nhằm mục đích giảm sức tiêu thụ tới 40% và giúp bảo vệ tốt hơn các công viên quốc gia, môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Mức thuế này là một phản ứng đối với thói quen sử dụng nhựa thường xuyên của người dân Israel, trung bình một năm người Israel sử dụng 7,5 kg đồ nhựa dùng một lần, nhiều gấp 5 lần so với Liên minh châu Âu.

Mặc dù đề xuất này là một dấu hiệu của việc ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhưng nó còn rất xa so với việc giải quyết vấn đề này trên thực tế. Chúng ta cần nhận ra thách thức lớn hơn, suy nghĩ ngoài việc trừng phạt sử dụng các đồ dùng nhựa một lần và tập trung vào thay đổi hệ thống để đạt được một nền kinh tế bền vững hơn.

Rác thải không chỉ là nhựa

Nhựa không phải là kẻ thù. Linh hoạt, bền, thuận tiện và rẻ để sản xuất, vật liệu này không thể thiếu trong thế giới hiện đại của chúng ta, và đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các ngành sản xuất  từ ô tô đến thiết bị y tế, máy bay, điện thoại di động, v.v. Nhựa đã trở thành đề tài bàn cãi về việc gây ra ô nhiễm cho môi trường trong khi chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng rác thải.

Rác hữu cơ như thực phẩm, giấy và bìa cứng chiếm hơn 80% tổng chất thải rắn đô thị. Khi được đổ vào các bãi chôn lấp, chất thải hữu cơ này sẽ phân hủy mà không có oxy và thải ra một lượng lớn khí mê-tan, một loại khí nhà kính có khả năng giữ bức xạ hiệu quả hơn 86 lần so với khí CO2 (carbon dioxide).

Bởi vì quá tập trung vào các tác động của nhựa, chúng ta đã không thể nhìn thấy bản chất của vấn đề. Vấn đề không phải là bản thân nhựa, mà là tốc độ sản xuất chất thải ngày càng tăng và việc thiếu các giải pháp tiêu hủy chất thải bao gồm cả nhựa và hữu cơ.

Vì vậy, làm thế nào các nhà lập pháp có thể giúp mang lại sự thay đổi lâu dài và chuyển đổi thành một nền kinh tế bền vững?

Cây gậy và củ cà rốt!

Các loại thuế mang tính chất răn đe, giống như mức thuế được đề xuất gần đây ở Israel, đang là điểm khởi đầu. Tuy nhiên, các loại thuế này để lại ấn tượng rằng ô nhiễm chất thải nhựa có thể được giải quyết mà không cần các giải pháp mang tính hệ thống thực sự. Chúng ta không thể chỉ cấm hoặc đánh thuế các sản phẩm không bền vững mà không đầu tư vào các giải pháp thay thế khả thi về mặt thương mại và thực hiện lập pháp “thưởng và phạt” để tạo ra thay đổi thực sự.

Các chính phủ vừa phải ngăn chặn các hành vi không lành mạnh (bằng cách tăng phí chôn lấp chất thải hay đánh thuế khí thải carbon) vừa khuyến khích về mặt tài chính cho các giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn. Kết hợp với nhau, “Cây gậy và củ cà rốt” có thể tạo ra thành quả đáng kể.

Trung tâm xử lý chất thải của UBQ Materials

Ví dụ về “cây gậy” là một chính sách mới được áp dụng của Liên minh Châu Âu (EU) quy định rằng các sản phẩm nhựa phải được sản xuất với ít nhất 30% hàm lượng tái chế vào năm 2030. Nghĩa là, nếu một sản phẩm có 28% hàm lượng tái chế, một mức phạt trị giá gấp đôi số lượng nhựa sử dụng sẽ được áp dụng trên 2% còn thiếu, điều này khuyến khích các công ty đưa vật liệu tái chế vào sản phẩm của họ.

“Củ cà rốt” là hệ thống tín chỉ carbon (Carbon credit) được áp dụng tại New Zealand và các một số nơi khác – một cách tiếp cận theo định hướng thị trường dựa trên việc tạo ra giá trị khách quan cho hoạt động kinh doanh carbon. Giới hạn pháp lý về lượng khí thải cho phép được thiết lập và các tổ chức có thể giao dịch bất kỳ lượng phân bổ carbon hợp pháp này trên thị trường. Điều này tạo ra động lực kinh tế để giảm lượng khí thải và một thị trường cho các giải pháp giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Các giải pháp thay thế cho công nghệ quản lý chất thải

Việc phát triển và khuyến khích thực hiện các giải pháp quản lý chất thải áp dụng công nghệ tiên tiến có thể có tác động lớn hơn nhiều so với việc đơn thuần ngăn chặn các hành vi không lành mạnh. Việc xem chất thải như một nguồn tài nguyên và kết hợp nó vào các sản phẩm trong tương lai biến một quy trình sản xuất tuyến tính (linear process) thành quy trình tuần hoàn (circular process), giảm lượng khí thải carbon của các nhà sản xuất và từ các bãi rác thải chôn lấp. Việc đánh thuế có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng nhựa không cần thiết, nhưng nếu không có thêm các giải pháp thay thế hiệu quả về mặt kinh tế, nó chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề.

UBQ Materials đã phát triển một loại vật liệu sinh học (UBQ) từ rác thải sinh hoạt chưa phân loại

Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm – từ các nhà luật pháp, nhà sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng và đến các hành vi quản lý chất thải – theo khuynh hướng thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường. Ví dụ điển hình là nhãn chứng nhận BioPreferred® cấp phép bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), chứng nhận vật liệu được làm từ ít nhất 50% hàm lượng dựa trên sinh học. Nhãn chứng nhận này đã tạo ưu thế trong các cuộc đấu thầu của chính phủ, khuyến khích các công ty sử dụng vật liệu sinh học để thay thế nhựa gốc dầu/ nhựa dầu mỏ (oil-based resins)

Thực hiện các giải pháp tại chính quốc gia của mình

Có câu nói ”Cái khó ló cái khôn” và không nơi nào đúng với câu nói này hơn ở Israel. Việc triển khai các công nghệ đột phá thường là kết quả của nhu cầu cấp bách. Israel đã chứng minh điều này trong lĩnh vực nông nghiệp với sự ra đời của hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, trong lĩnh vực lưu trữ nước ngọt với kỹ thuật khử muối độc quyền (proprietary desalinization) và trong lĩnh vực an ninh với hệ thống phòng không Iron Dome. Tuy nhiên, trong các ngành công nghiệp khác, việc thương mại hóa và áp dụng các công nghệ vốn được phát minh tại Israel chỉ xảy ra bên ngoài biên giới của Israel, vì xuất khẩu thường mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

UBQ Materials đã phát triển công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thành một loại nhựa sinh học

Trong trường hợp biến đổi khí hậu, Israel không thể trở thành “người thợ đóng giày có con trai đi chân đất”, nghĩa là sẽ là quốc gia hưởng lợi cuối cùng do các thành quả của chính đất nước mình tạo ra. Là một quốc gia nhỏ và luôn đi đầu, Israel có thể tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống và trở thành quốc gia đi đầu trong các giải pháp xử lý chất thải, vật liệu bền vững và công nghệ sạch hỗ trợ nền kinh tế bền vững.

Đã đến lúc nhận thức được sự cấp thiết đối với những tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng xấu đi của môi trường tự nhiên là mối đe dọa đối với loài người, đòi hỏi cùng một mức độ thay đổi quy mô rộng mà Israel đã thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng và một số lĩnh vực khác.

Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Xử lý chất thải” vui lòng nhấn vào đây

 

(Nguồn: NoCamels)

Bình luận hay chia sẻ thông tin