Tương lai của ngành thức ăn nhanh là những startup phát triển thực phẩm dựa trên thực vật.
Một robot đầu bếp nhận đơn đặt hàng bằng điện thoại thông minh và nướng bánh burger với thịt nhân tạo từ thực vật trong vòng chưa đầy bốn phút.
Bà Racheli Vizman nói, đây chính tương lai của ngành thức ăn nhanh. Công ty của bà, SavorEat, đã đạt được một bước tiến trong việc phát triển bánh burger làm từ thực vật và có hương vị giống như thịt.
Robot đầu bếp SavorEat
Họ đang thu hút sự chú ý trong ngành công nghiệp thực phẩm với nền tảng công nghệ kép kín (end-to-end) cho ngành thực phẩm. Họ sản xuất các thành phần trong bánh burger, đóng gói sản phẩm và vận chuyển đến cho các robot đầu bếp của họ tại các nhà hàng và quán ăn bán bánh burger. Sau đó, khách hàng đặt hàng bằng điện thoại thông minh. Họ quét mã QR, chọn sản phẩm họ muốn và cách chế biến ưu thích, robot thông minh sẽ dựa vào yêu cầu đó và làm ra burgers mà khách mong muốn.
Sự can thiệp duy nhất của con người trong quá trình này là lúc nhân viên đặt nhân thịt vào bên trong chiếc bánh mì, thêm rau diếp, cà chua, dưa chua và phục vụ khách hàng.
Khách hàng đặt hàng qua ứng dụng và robot đầu bếp sẽ chế biến món ăn của họ
“Chúng tôi không chỉ phát triển một giải pháp thay thế thịt động vật, về cơ bản chúng tôi đang thay đổi ngành công nghiệp này bằng một robot thông minh có thể nướng bánh burger và cho phép khách hàng có thể cá nhân hóa món ăn của họ”, bà Vizman, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty có trụ sở tại Rehovot, Irasel chia sẻ.
Các robot đầu bếp đã được được vào vận hành thử nghiệm tại một vài cửa hàng trong tổng số hơn 100 cửa hàng bánh burger của BBB tại Israel. Bà Vizman chia sẻ cuối năm nay, họ sẽ mở rộng đến các trường đại học Hoa Kỳ trong một thỏa thuận với công ty Sodexo, một công ty quản lý bất động sản và dịch vụ thực phẩm.
Công ty SavorEat đã bắt đầu với việc sản xuất các loại hỗn hợp burger khác nhau – hamburger, thịt gà, gà tây, thậm chí cả thịt heo và hải sản, tất cả đều có nguồn gốc thực vật và tất cả đều có chứng nhận Kosher. Chúng cũng thuần chay, không chứa gluten, không chứa đậu nành và không gây dị ứng.
*Chứng nhận KOSHER là chứng nhận cho thực phẩm và sản phẩm nhằm xác định sản phẩm phù hợp với luật ăn kiêng của người Do Thái, mỗi thành phần, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng phải là đáp ứng tiêu chuẩn KOSHER.
Các hộp hỗn được dùng như một loại nhiên liệu cho quá trình in 3D tạo thành sản phẩm, chúng được nạp vào bên trong robot đầu bếp, robot này sẽ đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng cách tạo hình và nướng bánh theo yêu cầu của họ, quá trình này thường diễn ra trong ba phút rưỡi.
“Các hỗn hợp nguyên liệu đầu vào khác nhau sẽ cung cấp các sản phẩm khác nhau, như bít-tết hoặc ức gà. Nó cũng tương tự như một chiếc máy pha cà phê Nespresso mà có thể bạn đã sử dụng qua, với mỗi màu sắc khác nhau trên nắp vỏ của viên nén cà phê thì sẽ tạo nên hương vị khác nhau” bà Vizman nói.
Bánh burger có nguồn gốc thực vật được làm từ protein của hạt đậu Hà Lan, đậu gà và các thành phần khác được liên kết với nhau bằng sợi xenlulo để chúng có hình dáng, mùi vị và hương thơm như thịt thật, chúng có cùng kết cấu và cả tiếng “xèo xèo” khi chúng được chiên hoặc nướng. Hương vị có thể được điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu riêng của một chuỗi nhà hàng cụ thể.
Khách hàng cũng có yêu cầu về cách nấu bánh burger của họ. Ứng dụng sẽ hỏi mức độ đói bụng của họ như thế nào, và họ muốn nhiều chất béo hơn hay nhiều protein hơn và liệu họ thích nó chế biến tái hay được chế biến chín kỹ.
Mặc dù vậy, robot không chỉ nướng thịt mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng về những gì khách hàng muốn. Nếu bánh mì kẹp thịt gà tây bán chạy hơn xúc xích trong bữa ăn sáng, nó sẽ cung cấp thông tin đó về công ty theo thời gian thực để công ty có thể phản hồi tương ứng.
“Chúng tôi đã phát triển các công thức khác nhau về hương vị, robot và thuật toán là bộ não đằng sau mọi thứ. Robot này không chỉ sản xuất thực phẩm mà còn tạo ra rất nhiều dữ liệu”, theo bà Vizman.
“Chúng tôi có các chuyên gia về khoa học thực phẩm, sinh học phân tử thực vật, kỹ thuật cơ khí, hóa sinh và kinh doanh, tất cả đang ngồi cùng nhau, tất cả đều làm việc cùng nhau như một nhóm.”
Bà Vizman đã nảy ra ý tưởng về một robot đầu bếp cách đây 8 năm khi bà ấy phải chịu đựng điều mà bà mô tả là “một đợt bệnh rất nặng” khiến bà không thể ăn thực phẩm có chứa chất béo và sống sót bằng chế độ ăn kiêng.
“Tôi nhớ mình đã mơ về một chiếc máy cho phép tôi nhấn một vài nút và làm cho tôi thức ăn đúng như những gì tôi muốn,” bà nói “Tôi đoán ai đó chắc hẳn đã phát minh ra nó rồi”.
Đồng sáng lập SavorEat (từ trái sang) Giáo sư Ido Braslevsky, bà Racheli Vizman, Giáo sư Oded Shosayev
“Tôi đã tìm kiếm trên Google và thấy rằng mọi người đều đang rất quan tâm đến công nghệ in 3D và sản xuất chồng lớp nhưng không ai trong số đó liên quan đến thực phẩm. Tôi đã nghiên cứu ngành công nghệ thực phẩm và tôi quyết định sẽ đưa công nghệ này vào ngành thực phẩm”.
Bà đã kết nối với hai chuyên gia từ Công ty Phát triển Nghiên cứu Yissum của Đại học Hebrew – Giáo sư Oded Shoseyov (Người đồng sáng lập và giám đốc khoa học của công ty SavorEat) và giáo sư Ido Braslevsky (Người đồng sáng lập và cố vấn khoa học). Họ cùng nhau thành lập công ty vào tháng 12 năm 2018.
Công ty đã huy động được 4,75 triệu đô la sau đó được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tel Aviv vào tháng 11 năm 2020, huy động được 13 triệu đô la.
Để xem các tin bài khác về “In 3D”, hãy nhấn vào đây.
Nguồn: NoCamels