Đó là phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận.
Trên đà phát triển
Ông Nguyễn Văn Bình làm việc với tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi làm việc sáng ngày 19/9/2016 với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, buổi làm việc hôm nay tập trung vào hai nội dung quan trọng, trong đó đặc biệt là phát triển du lịch, năng lượng – hai lợi thế mà Bình Thuận đang nắm giữ.
Thứ nhất, về phát triển du lịch, Bình Thuận nằm trên trục Bắc Nam của cả nước, có nhiều điểm du lịch, trong đó ví dụ như khu du lịch Mũi Né.
Về giao thông, trước đây đi lại khó khăn, từ TPHCM về Bình Thuận mất khoảng 6 giờ đồng hồ, ảnh hưởng tới thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nay giao thông đã được cải thiện, sắp tới có nhiều dự án kết nối với các tỉnh phía Nam, nhất là tuyến đường về TP.HCM nhanh hơn. Hơn nữa, dự án xây dựng sân bay hoàn thành thì về mặt giao thông: đường bộ, đường thủy, hàng không hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển du lịch của Bình Thuận.
Thứ hai, về phát triển năng lượng,Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh có điều kiện đặc biệt để phát triển điện gió và điện năng lượng. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ Bộ Công Thương tái lập bản đồ năng lượng gió cho Việt Nam. Căn cứ tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 80m so với bề mặt đấy ứng với tốc độ gió trên 6m/s thì có thể khai thác 10,000 MW. Diện tích có tốc độ gió trung bình ở mức tương đối cao trở lên (7-8m/s trở lên) là 241 km2, ở mức trung bình là 2.435 km2. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ở Việt Nam là rất lớn. Riêng Bình Thuận có đến 20 điểm đo. Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Bình Thuận, công suất tiềm năng điện gió của toàn tỉnh ước đạt hơn 5.030 MW.
Trong lĩnh vực điện mặt trời, hiện Bình Thuận đang triển khai lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đên năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt 200 MW, ứng với sản lượng điện mặt trời tương ứng khoảng 311 triệu kWh.
Cần đột phá những cản ngại
Khảo sát dự án điện gió Thuận Phong.
Có thể nói, nhiều năm trước, Mũi Né là điểm sáng du lịch của cả nước, tuy nhiên cùng với sự đầu tư phát triển của nhiều khu du lịch trên cả nước, tiềm năng của Mũi Né cũng dần hạn chế, bộc lộ những bất cập, nhất là một số tồn tại, bất cập thời gian trước để lại.
Trước đây để phát triển du lịch, quan trọng nhất đối với Bình Thuận là thu được nhiều nhà đầu tư, vấn đề lựa chọn các nhà đầu tư có quy mô và năng lực tài chính lớn chưa được xác định là trọng tậm, trọng điểm. Nhiều dự án đầu tư có diện tích nhỏ lẻ, quy hoạch chưa thực sự bài bản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, tiềm năng du lịch chưa được khai thác có hiệu quả, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ còn thấp, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái núi, rừng, hồ, thác còn yếu; môi trường du lịch chưa tốt; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mạnh, một số vướng mắc trong chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với các ngành khác chậm được tháo gỡ.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu của khách du lịch ngày càng phong phú, đa dạng và yêu cầu dịch vụ chất lượng cao hơn thì Bình Thuận không tiếp tục có sự đầu tư phát triển mới thì Mũi Né nói riêng, du lịch Bình Thuận nói chung sẽ không phát triển được. Vậy, thời gian tới đây, du lịch sẽ phát triển theo hướng nào, trong khi điều kiện đối với Bình Thuận ngày càng thuận lợi hơn.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: “Bình Thuận phải có tầm nhìn quốc tế, phải xây dựng du lịch trở thành khu phức hợp, đa năng để thu hút khách du lịch đến không chỉ nghỉ lâu mà còn có thể vui chơi, mua sắm và có mong muốn trở lại những lần tiếp theo”.
Về cơ bản, Bình Thuận phải nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các hình thức liên doanh, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; giữ gìn bảo đảm vệ sinh, môi trường các khu, điểm du lịch. Đồng thời, văn hóa du lịch phải được thấm đượm vào ý thức từng doanh nghiệp, người dân, có như vậy mới thực sự phát triển ngành công nghiệp du lịch.
Về công nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình đặc biệt lưu ý về vấn đề môi trường, yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng địa phương kiên quyết giám sát những dự án có ảnh hưởng tới môi trường. Bởi đây không chỉ ảnh hưởng tới đời sống nhân sinh mà còn ảnh hưởng tới các ngành kinh tế mũi nhọn khác như du lịch, dịch vụ…
Riêng đối với phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời, theo tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh được đánh giá là giàu tiềm năng về gió nhất nước. Nhiều năm qua, mặc dù 2 địa phương này đã ra sức kêu gọi đầu tư nguồn năng lượng nói trên nhưng hiện Bình Thuận chỉ có 2 nhà máy điện gió được xây dựng, đưa vào vận hành. Còn lại ít nhất hơn chục dự án bị bỏ dở hoặc nhà đầu tư “án binh bất động” vì nhiều lý do.
Điều đáng lưu ý, những dự án đã vận hành hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Công ty Cổ phần Phong Điện Thuận Bình, ngày 1/9/2016, hai tuabin đầu tiên của, công ty đã hòa lưới điện quốc gia thành công và ngày 9/9/2016 tất cả 12 tua bin đã hòa vào lưới điện quốc gia, hiện đang chạy thử nghiệm để nghiệm thu và bàn giao chính thức. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, vấn đề giá mua điện cũng đang là bài toán khó khăn đối với nhà đầu tư.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển điện gió. Mặc dù với mức giá hiện nay chưa thực sự phù hợp, song sắp tới khi Chính phủ có điều chỉnh thì hoàn toàn có thể phát triển dự án ở vùng có tiềm năng lớn như Ninh Thuận và Bình Thuận. Để giải quyết nút thắt này, đồng chí Nguyễn Văn Bình kết luận: nên có dự án thí điểm 200 – 300 MW trong vài năm, sau khi có cơ sở xây dựng được giá mua phù hợp, lúc đó để các nhà đầu tư có sự lựa chọn.
Về nông nghiệp, bên cạnh việc đánh giá cao về sự nỗ lực đã có kết quả trong việc đầu tư, phát triển liên thông các hồ đập, đảm bảo nguồn nước cho nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình ủng hộ các dự án có khả thi; các dự án không khả thi thì phải dũng cảm chấm dứt, tìm phương án thay thế; yêu cầu phải có kế hoạch, giải pháp tiết kiệm nước, sử dụng nước, hiệu quả nhất đó là cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và nguồn nước; yêu cầu tỉnh Bình Thuận nên dành một phần ngân sách để đầu tư kiên cố hóa kênh mương, chống thất thoát lãng phí nguồn nước.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: PV/ Dantri)