Bên cạnh việc triển khai các dự án khai thác khí trong nước, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về năng lượng của đất nước nói chung và cho sản xuất điện nói riêng, tập đoàn đang khẩn trương tiến hành công tác nhập khẩu khí LNG cũng như nhập khẩu khí bằng đường ống. Việc làm này không những phù hợp với quan điểm phát triển bền vững của chính phủ trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho sản xuất điện, bảo tồn các nguồn cung cấp nhiên liệu; mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, giải quyết được nhu cầu khí với khối lượng lớn trong khi chưa có thêm nguồn khí mới trong nước.
Các bạn đang xem “phần 2” của loạt bài “Chiến lược phát triển hạ tầng năng lượng đến năm 2020 của PVN”, để xem “phần 1” vui lòng nhấn vào đây.
Định hướng phát triển Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trên cơ sở định hướng phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025, tập đoàn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đối với tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: đây luôn là lĩnh vực cốt lõi được ưu tiên tăng tốc làm đòn bẩy cho các lĩnh vực khác phát triển vì vậy sẽ đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác trong nước, trong đó dành tỉ lệ tham gia cao nhất có thể tại các bể truyền thống Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, Sông Hồng. Tiếp tục quảng bá, ưu tiên kêu gọi các đối tác tiềm năng có quan tâm đầu tư vào tìm kiếm thăm dò tại những vùng nước sâu, xa bờ; song song với việc chủ động tự thực hiện điều tra cơ bản và tiến hành TKTD.
Đầu tư phương tiện thiết bị phục vụ công tác TKTD và sớm đưa các phát hiện dầu khí và khai thác một cách hợp lý, hiệu quả, đặc biệt khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm chính trị. Tích cực tận thăm dò, tăng cường và nâng cao hệ số thu hồi, sớm có chính sách về giá khí để thu hút đầu tư và thúc đẩy các dự án TDKT khí. Nghiên cứu, điều tra cơ bản, nghiên cứu phát triển các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, hydrate khí, khí đá phiến sét – shale gas). Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược, đầu tư thích hợp để mở rộng hoạt động dầu khí ra nước ngoài, kết hợp giữa mua tài sản và hợp đồng tìm kiếm, thăm dò nhằm tập trung đầu tư 2-3 “khu vực trọng điểm” trong vòng 7-10 năm tới.
Phấn đấu giai đoạn từ năm 2016- 2020 mức gia tăng trữ lượng là 35-45 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó, khai thác trong nước đạt từ 25 – 30 triệu tấn/năm, ngoài nước từ 10 – 15 triệu tấn/năm; Bảo đảm tổng sản lượng khai thác dầu khí trong nước và phần được chia của PetroVietnam từ các hợp đồng dầu khí quốc tế đến năm 2020 đạt 40 – 44 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó, trong nước từ 30 – 31 triệu tấn, ngoài nước từ 10 – 13 triệu tấn;
(đơn vị: triệu tấn quy dầu/năm)
Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở công nghiệp khí quốc gia: hoàn chỉnh hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía nam, hình thành hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía bắc và miền trung; từng bước triển khai xây dựng hệ thống mạng nối đường ống dẫn khí liên vùng, liên khu vực.Trong lĩnh vực khí: Ngày 30/03/2011 Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 459/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025”, theo đó sản lượng khai thác khí thiên nhiên trong nước sẽ đạt mức 15-19 tỷ m3/năm vào năm 2020 và duy trì đến năm 2030. Để triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ, tập đoàn đặt mục tiêu phát triển công nghiệp khí đồng bộ từ khâu đầu, khâu giữa đến khâu cuối trong đó:
Đẩy mạnh công tác tự lực, khuyến khích đầu tư thăm dò, khai thác khí thông qua cơ chế giá khí và điều khoản PSC phù hợp.
Đảm bảo cung cấp đủ khí cho tiêu thụ công nghiệp và dân sinh trong nước.
Tích cực đầu tư, phát triển và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, trong đó tỷ trọng sử dụng khí trong lĩnh vực điện đạt khoảng 70-85% tổng sản lượng khí.
Nhập khẩu LPG, LNG một cách hiệu quả trên cơ sở cung, cầu khí trong nước, năm 2020 khoảng một triệu tấn LNG/năm; năm 2021-2025 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và sáu triệu tấn LNG/năm cho giai đoạn 2026-2030.
Từ nay đến năm 2025, tập đoàn sẽ kết nối, bổ sung và tiếp tục phát triển các hệ thống đường ống thu gom khí tự nhiên/đồng hành từ các mỏ thuộc bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 – CAA; triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống thu gom khí, Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 và từ các mỏ thuộc khu vực Bắc Bộ về khu vực Thái Bình; triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) về bờ, từng bước hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng cung cấp khí cho khu vực miền trung, có tính đến khả năng kết nối với hệ thống cung cấp khí khu vực miền nam; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý khí hiện có tại Dinh Cố, tích cực triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý khí cùng thời gian với việc xây dựng & mở rộng các hệ thống đường ống dẫn khí.
Đối với sản xuất điện: thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ba tập đoàn trụ cột là tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng tham gia lĩnh vực sản xuất điện năng. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, trong những năm qua, PVN đã xây dựng “Chiến lược phát triển lĩnh vực điện đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” phấn đấu trở thành nhà sản xuất điện đứng thứ hai sau EVN và là nhà sản xuất điện khí lớn nhất của cả nước, trong đó phấn đấu đến năm 2015, tổng công suất đặt khoảng 4.200 MW (đạt 12% tổng công suất đặt toàn quốc) và đến năm 2020 khoảng 9.000 MW (đạt 18-20% tổng công suất đặt toàn quốc). Bên cạnh việc triển khai các dự án khai thác khí trong nước, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về năng lượng của đất nước nói chung và cho sản xuất điện nói riêng, tập đoàn đang khẩn trương tiến hành công tác nhập khẩu khí LNG cũng như nhập khẩu khí bằng đường ống. Việc làm này không những phù hợp với quan điểm phát triển bền vững của Chính phủ trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho sản xuất điện, bảo tồn các nguồn cung cấp nhiên liệu; mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, giải quyết được nhu cầu khí với khối lượng lớn trong khi chưa có thêm nguồn khí mới trong nước. Theo dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2018 với sản lượng khoảng một triệu tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn sẽ tiếp tục tích cực đầu tư phát triển nhiệt điện khí, hợp tác với các đối tác, tham gia thực hiện các dự án thủy điện và điện than được chính phủ giao, đẩy mạnh công tác tìm kiếm và ký kết các hợp đồng nhập khẩu than đối với các dự án chưa có kế hoạch cung cấp than từ nguồn trong nước. Cụ thể:
Phát triển nhiệt điện khí, coi đây là thế mạnh số một trên cơ sở tận dụng các nguồn khí khai thác và phát triển nguồn khí mới (LNG);
Thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện than trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng chính phủ giao, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, thân thiện môi trường để nâng cao tính cạnh tranh. Xúc tiến công tác nhập khẩu than, đồng thời xem xét cơ hội đầu tư hoặc mua các mỏ than ở nước ngoài nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài cho các nhà máy điện;
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, cũng như theo quy hoạch điện VII, chính phủ sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo (đạt 4,5% điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030), PVN/PV Power sẽ tiếp tục xem xét nghiên cứu đầu tư đối với các dự án sử dụng năng lượng tái tạo đạt hiệu quả đầu tư.
Mục tiêu của PVN trong lĩnh vực điện đến năm 2030
Giai đoạn 2014 – 2020: dự kiến đầu tư và đưa vào vận hành dự án phong điện Hòa Thắng-giai đoạn 1 công suất 48MW.
Giai đoạn 2021 – 2025: dự kiến đầu tư và đưa vào vận hành một dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 100 MW.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến dầu khí là “phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 – 30 triệu tấn dầu thô”.
Triển khai chiến lược trên, trong những năm tới tập đoàn dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ:
Đầu tư duy trì công suất lọc dầu và công suất sản xuất nhiên liệu sinh học để tổng công suất đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước. Nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn. Công suất lọc dầu đạt 16-20 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 30 triệu tấn/năm vào năm 2030 trong đó 83% sản lượng là xăng và DO, cụ thể:
Giai đoạn 2011-2020: đưa liên hiệp lọc-hoá dầu Nghi sơn công suất 10 triệu tấn/năm vào hoạt động; hoàn thành nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất lên công suất 10 triệu tấn/năm; đưa ba nhà máy ethanol vào hoạt động với công suất 300 triệu lít/năm.
Giai đoạn 2020-2030: đưa nhà máy lọc dầu số 3 vào hoạt động; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm dầu khí; xây dựng các kho chứa tàng trữ dầu thô bảo đảm bảo nguồn nguyên liệu vận hành các nhà máy lọc dầu, đồng thời tham gia hệ thống dự trữ dầu thô quốc gia.
Các cơ chế chính sách linh hoạt hơn Về cơ chế tài chính: Chính phủ xem xét, sửa đổi nghị định 48/2000/NĐ-CP theo hướng cho phép công ty mẹ – tập đoàn dầu khí Việt Nam tự tiến hành hoạt động dầu khí phù hợp với luật dầu khí và điều lệ.
Sớm ban hành nghị định của chính phủ về quy chế quản lý tài chính của tập đoàn dầu khí Việt Nam phù hợp với nghị định số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm các tập đoàn kinh tế, nghị định số 25/2010/NĐ-CP về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đặc biệt là việc phản ánh thu nhập của tập đoàn từ khoản lãi dầu của liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro”.
Trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị định về quy chế tài chính của tập đoàn dầu khí Việt Nam, đề nghị Bộ tài chính có văn bản chấp thuận để tập đoàn dầu khí Việt Nam hạch toán doanh thu hoạt động tài chính đối với khoản lợi nhuận được chia từ liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” vào khoản thu nhập của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đồng thời, điều chỉnh nghị định số 71/2013/NĐ – CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cho phù hợp với điều kiện thực tế của tập đoàn dầu khí Việt Nam, nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc tái đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp làm ra nhiều lợi nhuận. (Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước chỉ được trích: 30% vào quỹ đầu tư phát triển, không quá ba tháng lương cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi và không quá 1,5 tháng lương cho viên chức quản lý doanh nghiệp, số lợi nhuận còn lại sẽ được nộp hết về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc đầu tư dự án sẽ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng chính phủ).
Cùng đó, phê duyệt cơ chế đặc thù liên quan đến hoạt động cho vay các công ty con của tập đoàn dầu khí Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn trong việc cho vay lại đối với các dự án đầu tư của tập đoàn tại công văn số 7733/DKVN-HĐTV ngày 25/10/2013.
Đối với cơ chế kinh doanh và chính sách một giá khí: kinh nghiệm triển khai các dự án khí trong thời gian qua cho thấy việc thống nhất giá khí thường mất nhiều thời gian. Với việc nguồn cung khí từ các mỏ hiện có đang dần bị suy giảm, sự chênh lệch về giá khí đầu vào từ các nguồn khí khác nhau ngày một mở rộng. Để có thể đảm bảo nguồn cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu năng lượng của quốc gia; trong những năm tới chính phủ cần thiết phải có những chính sách nhằm đột phát, giải tỏa các vướng mắc trên, đảm bảo lợi nhuận khuyến khích các nhà thầu đầu tư vào các dự án khí thượng nguồn/trung nguồn; như hỗ trợ PVN như là một Bên trong quá trình triển khai các dự án khí/nhập khẩu khí LNG.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam kiến nghị chính phủ/Bộ công thương sớm phê duyệt cơ chế kinh doanh khí và phương án giá bán khí theo thị trường, theo đó thống nhất áp dụng một giá khí khu vực áp dụng cho từng loại khách hàng: sản xuất điện (trừ nhà máy điện Hiệp Phước và lượng khí trong bao tiêu của các nhà máy điện BOT như Phú Mỹ 2.2 & Phú Mỹ 3); sản xuất đạm; sản xuất hóa chất/hóa dầu; khách hàng công nghiệp trong đó giá khí bán cho khách hàng sản xuất công nghiệp được tính theo mức cạnh tranh với nhiên liệu thay thế FO hoặc LPG.
Công tác triển khai các dự án điện: nhằm hỗ trợ PVN đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án điện, tập đoàn dầu khí Việt Nam xin kiến nghị chính phủ:
Tiếp tục chỉ đạo Bộ tài chính và các bộ ngành liên quan hỗ trợ PVN trong đàm phán thu xếp vốn, cấp bảo lãnh cho các dự án điện, trước mắt cho dự án Thái Bình 2 và các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1.
Bộ công thương xây dựng cơ chế chính sách giá điện hợp lý, đảm bảo cho PVN và các nhà đầu tư nguồn điện đủ bù đắp chi phí và có lãi, trước mắt phê duyệt giá điện cho nhà máy phong điện Phú Quý, để tháo gỡ khó khăn cho PVN/PVPower.
Cho phép nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được thực hiện theo cơ chế đặc thù đã áp dụng cho Vĩnh Tân 4, Long Phú 1 theo đó đối với gói thầu xây lắp do nhà thầu trong nước đảm nhiệm áp dụng giá điều chỉnh, đối với gói thầu nhập khẩu thiết bị chính do nước ngoài thực hiện áp dụng hình thức trọn gói.
Sớm xem xét, ủy quyền cho tập đoàn dầu khí Việt Nam phê duyệt tổng mức đầu tư hiệu chỉnh của một số dự án điện đã được tập đoàn dầu khí Việt Nam trình Thủ tướng chính phủ tại công văn số 7916/DKVN-HĐTV ngày 31/10/2013.
Chỉ đạo tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận nhà máy phong điện Phú Quý theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tại công văn số 4457/UBND-KTN ngày 31/10/2013.
Chỉ đạo EVN, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và công ty cổ phần thủy điện Hủa Na hoàn thành việc bàn giao kỹ thuật đường dây 220 kV cho nhà máy thủy điện Hủa Na – Thanh Hóa trước ngày 15/12/2013 và hoàn trả toàn bộ chi phí đầu tư trong quý I/2014.
Chỉ đạo EVN/NPT khẩn trương xây dựng các tuyến đường dây (500KV, 220KV) để giải phóng công suất phát của toàn bộ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và tránh ảnh hưởng đến công tác chạy thử nghiệm thu và vận hành thương mại của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện chuỗi giá trị dầu khí, kiến nghị chính phủ xem xét, giao cho tập đoàn làm chủ đầu tư các nhà máy điện khí sử dụng các nguồn khí từ các đường ống dẫn khí khu vực miền nam, miền trung và miền bắc.
Ngoài ra, chính phủ xem xét, giao cho tập đoàn dầu khí Việt Nam chủ trì thẩm định các báo cáo đánh giá trữ lượng, kế hoạch phát triển mỏ (FDP) với sự tham gia của các bộ/ngành có liên quan và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt; chủ trì thẩm định các báo cáo kế hoạch khai thác sớm (EDP), kế hoạch thu dọn mỏ với sự tham gia của các bộ/ngành có liên quan và báo cáo Bộ công thương phê duyệt; phê duyệt thay đổi dự toán ở mức dưới 20% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong FDP/EDP.
Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại những vùng nước sâu, xa bờ, thăm dò – khai thác khí thiên nhiên; ưu đãi thuế cho các nhà máy lọc/hoá dầu nằm trong quy hoạch, nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm lọc/hoá dầu nhập khẩu; bảo lãnh vay vốn và đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ để tập đoàn có điều kiện thuận lợi trong thu xếp vốn vay cho các dự án trọng điểm của nhà nước. Bên cạnh đó chính phủ cũng hỗ trợ tập đoàn trong việc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển tối thiểu từ 20-30% tổng vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm của nhà nước và của tập đoàn; cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá khí, giá điện từng bước tiếp cận với giá thị trường.
(Nguồn: nangluongvietnam.vn)