Nước xả thải trong hơn nước sông, nhà máy sạch, không khí trong lành là những ấn tượng sâu đậm của chúng tôi khi đặt chân đến nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hóa chất tăng cường tại Quy Nhơn.
Công nghệ mới Được tài trợ bởi quỹ môi trường toàn cầu và nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới (quỹ môi trường toàn cầu tài trợ xây dựng một mô đun công suất 7.000m3 và ngân hàng thế giới tài trợ xây dựng một mô đun công suất xử lý 7.000m3/ngày đêm), công suất thiết kế xử lý 14.000m3 nước thải/ngày đêm, tổng mức đầu tư 7.922.077 USD, nhà máy xử lý nước thải áp dụng công nghệ xử lý sơ bộ bằng hóa chất tăng cường tại Quy Nhơn sau khi hoàn thành sẽ giúp cải tạo và mở rộng hạ tầng thoát nước mưa, nước thải của thành phố Quy Nhơn.
Nằm trong chương trình dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải Việt Nam (CCESP) vốn vay của ngân hàng thế giới, gồm Quy Nhơn, Nha Trang và Đồng Hới, nhà máy xử lý nước thải thành phố Quy Nhơn là dự án thí điểm áp dụng công nghệ mới xử lý sơ bộ bằng hóa chất tăng cường.
Đây cũng là dự án chứng minh, thử nghiệm và ứng dụng phương thức mới trong xử lý nước thải nhằm làm giảm ô nhiễm phát sinh từ mặt đất, đồng thời là minh chứng điển hình thúc đẩy cải cách về chính sách và các biện pháp kiểm soát ô nhiễm ở Việt Nam.
Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 5km, cách đường Trần Hưng Đạo 1,5km, giáp cụm công nghiệp Nhơn Bình và đường Điện Biên Phủ dự kiến nối dài khoảng 0,2km, nhà máy đặt xa trung tâm thành phố, bao quanh là ruộng lúa và khu đất trống, dân cư sinh sống cách nhà máy bán kính trên 300m không nhiều, mật độ thưa.
Nếu sử dụng công nghệ khác, diện tích đất thu hồi sẽ lớn hơn nhưng với công nghệ mới này chỉ có 67,45ha đất bị thu hồi, trong đó 11,5ha đất bị thu hồi vĩnh viễn để xây dựng nhà máy, 55,95ha đất ở vùng đệm chỉ bồi thường, thu hồi đất ở, riêng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vẫn để cho dân canh tác, có 127 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Như vậy, xét về mức ảnh hưởng, diện tích thu hồi để xây dựng nhà máy CEPT ít hơn so với các công nghệ khác (như hồ sinh học)…
Vì điều kiện nước thải ở Việt Nam nói chung và nước thải đô thị nói riêng có sự biến thiên rất lớn về lưu lượng cũng như nồng độ các chất ô nhiễm, công nghệ này rất phù hợp vì quy trình vận hành linh hoạt: Có thể bổ sung hoặc không cần bổ sung hóa chất.
Tùy thuộc vào nồng độ ô nhiễm cao hay thấp, lượng hóa chất sẽ được tính toán bổ sung hợp lý nhằm giảm tối đa nồng độ ô nhiễm có trong nước thải. So với các phương pháp xử lý cơ học thuần túy thì việc bổ sung thêm hóa chất giúp tăng hiệu quả xử lý lên từ 60 – 70%. Kể cả trong trường hợp lưu lượng biến thiên rất lớn hay độ ô nhiễm lớn thì chúng ta chỉ cần tính toán lại hóa chất cần bổ sung thì hoàn toàn có thể khống chế được nước đầu ra đạt yêu cầu.
Đồng thời, việc bổ sung hóa chất tăng cường trong giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong giảm lượng chất rắn lơ lửng, giảm các thành phần gây ô nhiễm trước khi vào hệ thống đằng sau, giúp quy mô của các hệ thống đằng sau giảm đi rất nhiều.
Nước thải trong hơn nước sông Đặt chân đến nhà máy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì đây là nhà máy xử lý nước thải nhưng không có mùi hôi thối đặc trưng, không khí trong lành, khuôn viên nhà máy đẹp, tạo cảm giác an toàn cho người dân sinh sống xung quanh, các hạng mục tường bảo vệ, giao thông và cảnh báo được hoàn thiện, an toàn và có tính thẩm mỹ rất rất cao.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, phó tổng giám đốc HALCOM – đơn vị tư vấn đánh giá hiệu quả mô hình dự án, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nước sau xử lý với nguồn nước tiếp nhận là sông Hà Thanh, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu trước và sau cửa xả trong ba ngày liên tiếp tại cùng một giờ nhất định để phân tích, kết quả cho thấy chất lượng nguồn nước trước và sau điểm tiếp nhận hầu như không có sự thay đổi đáng kể, thậm chí các chỉ tiêu phân tích còn có giá trị thấp hơn nhiều so với quy chuẩn chất lượng nước mặt.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh nhà máy cho thấy toàn bộ các thông số có giá trị dưới tiêu chuẩn rất nhiều, được quy định trong QCVN 05:2009/BTNMT. Điều đó cho thấy môi trường nền tương đối sạch, hoạt động của nhà máy không gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh.
“Không những xử lý tốt nước thải mà một trong những ưu điểm khác của nhà máy là tính linh hoạt. Với năng lực xử lý nước thải 14.000 m3/ngày đêm, nhà máy có thể đáp ứng được mức độ biến thiên cao, xử lý vượt công suất thiết kế, hạn chế tối đa nguy cơ xả thải thẳng ra môi trường khi mức độ biến thiên của nước thải tăng đột ngột, đồng thời tiết kiệm chi phí bởi lựa chọn được công suất tối ưu, phù hợp với tốc độ phát triển đô thị của thành phố Quy Nhơn”, tiến sĩ Đỗ Khắc Uẩn, chuyên gia xử lý nước thải công ty HALCOM khẳng định.
Chính những ưu điểm tối ưu và những lợi ích mà nhà máy mang lại cho 87.500 người dân thành phố Quy Nhơn đã thuyết phục nhân dân. Bà Đồng Thị Thương, tổ 24, khu 3, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn cho biết: “Người dân chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng nhà máy nước thải ở đây, nó không những không ảnh hưởng xấu mà còn mang lại lợi ích cho chúng tôi. Nước xả ra ở sông rất sạch, còn trong hơn cả nước sông”.
Còn ông Trần Văn Mai, tổ 23, khu vực 3, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn lại cho rằng: “Xây nhà máy là có lợi nên chúng tôi đã trả đất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây nhà máy. Những gì mang lại lợi ích cho người dân thì chúng tôi đều ủng hộ”.
Như vậy, nhà máy xử lý nước thải sử dụng hóa chất tăng cường tại thành phố Quy Nhơn sử dụng công nghệ mới có nhiều ưu điểm. Nước thải sau công đoạn được xử lý sơ bộ sẽ lần lượt trải qua hồ lắng sơ bộ kị khí, thác tạo khí, bể lắng nhỏ giọt, bể lắng đợt hai, bể khử trùng và sau đó được xả ra ngoài môi trường.
Chúng tôi thiết nghĩ và ao ước, nếu nước sông Tô Lịch (Hà Nội) được xử lý bằng công nghệ mới này thì hình ảnh dòng sông mang vẻ đẹp thơ mộng vời xa trong quá khứ sẽ được hồi sinh, để người dân Hà Nội không còn bịt mũi mỗi khi gió thốc mùi nồng nặc, để thủ đô lại có được dòng sông đẹp như xưa. Hy vọng công nghệ xử lý nước thải mới này sẽ được áp dụng rộng rãi tại các đô thị khác.
(Nguồn: baomoi.com)