Nhận thấy rằng các phương pháp hiện tại dùng để sửa chữa các công trình điện gió ngoài khơi, các cây cầu và các công việc hàn, cắt dưới nước nói chung gây mất nhiều thời gian cũng như rất khó khăn cho thợ lặn. Vì vậy, các kỹ sư thuộc Viện nghiên cứu Laser Zentrum Hannover (LZH) và trường đại học Leibniz Hannover (LUH) đã phát triển một loại laser đặc biệt có khả năng cắt tự động dưới nước.
Hiện nay, phương pháp cắt dưới nước phổ biến nhất là phương pháp cắt hồ quang điện, sử dụng các điện cực cầm tay. Tùy thuộc độ dày của vật liệu, thông thường các thợ lặn phải mất một ngày để cắt được 20m vật liệu. Cho rằng mỗi ngày thợ lặn có thể lặn được 5 giờ đồng hồ, như vậy tốc độ sẽ là 7cm/phút.
Thời gian cắt nhanh hơn đem lại hiệu quả về kinh tế
Tuy nhiên đối với những loại laser có thể cắt tự động thì tốc độ được cải thiện rất đáng kể. “Trong quá trình kiểm tra thí điểm, chúng tôi đã đạt được tốc độ cắt 0,5m/phút đối với loại thép có độ dày 10mm.Với quy trình này, việc cắt kim loại dưới nước sẽ trở nên nhanh hơn và do đó ít tốn kém hơn. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một phương pháp để các thợ lặn làm việc hiệu quả và an toàn hơn.” Theo tiến sĩ Jorg Hermsdorf, trưởng nhóm kỹ thuật và kiểm soát của LZH.
Phương pháp này đang được phát triển để có thể tháo dỡ cọc ở độ sâu từ 2 – 6m. Vì vậy điều quan trọng là các cọc và các khóa liên kết cần bảo đảm được cắt chính xác và hiệu quả trong khoảng thời gian và chi phí hợp lý. Kể cả khi thiết bị cắt bị gỉ sét thì phương pháp này vẫn thực hiện hiệu quả, thậm chí vẫn đáp ứng tốt khi thay đổi độ dày vật liệu.
Phương pháp cắt laser này có thể dùng để bảo trì và sửa chữa các công trình ngoài khơi và một số công trình thủy lực. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ ứng dụng để tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
(Theo Industrial Lasers)