Tỷ phú 9x đứng sau Snapchat

Tháng Năm 22 13:00 2018

Evan Spiegel sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng nỗ lực thành tỷ phú tự thân với ứng dụng có hàng trăm triệu người dùng khắp thế giới.

Tháng 3/2017, công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin đa phương tiện Snapchat lên sàn với giá trị 33 tỷ USD, khoảng 170 triệu người dùng thường xuyên. Nhà sáng lập Evan Spiegel trở thành CEO trẻ nhất của một công ty IPO. Hiện Forbes ước đoán doanh nhân 9x sở hữu khối tài sản 2,4 tỷ USD.

Evan Spiegel sinh ngày 4/6/1990 tại Pacific Palisades, Los Angeles, California, Mỹ. Anh là con lớn trong gia đình có bố mẹ đều là luật sư tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trong nhóm Ivy League, nhưng cặp đôi ly dị lúc anh học cấp 3.

Năm 16 tuổi, Spiegel có bằng lái xe và được bố tặng cho chiếc Cadillac Escalade. Anh học tại một ngôi trường đặc biệt có tên Crossroads, nổi tiếng với mức học phí lên đến hàng nghìn USD mỗi năm. Đây cũng là nơi mà nhiều người nổi tiếng khác theo học như đồng sáng lập Tinder Sean Rad, các diễn viên Kate Hudson, Jonah Hill, Jack Black và Gwyneth Paltrow.

CEO Snapchat Evan Spiegel. Ảnh: Vanity Fair.

Khoảng thời gian làm thực tập sinh mảng tiếp thị tại Red Bull, Spiegel nghĩ rằng anh muốn có một chiếc xe tiết kiệm năng lượng hơn để lái vòng quanh thành phố. Trong bức thư gửi bố năm 2008, Spiegel xin phép ông cho thuê chiếc BMW 550i, lúc đó có giá bán trên thị trường 75.000 USD.

“Những chiếc xe mang đến cho con niềm vui tuyệt đối. Con thật sự rất trân trọng nếu bố công nhận con và tất cả những nỗ lực miệt mài trong công việc của con bằng việc cho con thuê chiếc BMW”, anh viết trong thư.

Nhà Spiegel được biết đến là gia đình có điều kiện, là thành viên của những câu lạc bộ đặc biệt như Jonathan Club ở Santa Monica và La Jolla Beach and Tennis Club. Gia đình này thường du lịch đến châu Âu, thuê người giúp việc toàn thời gian và thậm chí đi trượt tuyết bằng trực thăng ở Canada.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Spiegel gia nhập đại học danh tiếng Stanford với ngành thiết kế sản phẩm. Tại đây, anh có cơ hội quen biết hai người bạn mà sau này trở thành đồng sáng lập Snapchat là Reggie Brown và Bobby Murphy.

“Chúng tôi không ngầu, vì thế chúng tôi cố gắng xây dựng những thứ giúp mình trở nên đặc biệt”, Murphy nói với Forbes.

Trong thời gian ở Stanford, người bạn của gia đình tìm được cho Spiegel một chỗ trong lớp về kinh doanh và quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho người ở trình độ tốt nghiệp. Tại đây, anh có cơ hội nghe những cuộc trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ.

Nhờ đó, Spiegel cũng trở thành bạn của nhà sáng lập công ty phần mềm Intuit Scott Cook sau khi vị này đến lớp học của anh nói chuyện. Cook đã đưa Spiegel về làm việc cho một sản phẩm mà Intuit dự định ra mắt tại Ấn Độ trong năm cuối đại học.

Cook sau đó trở thành nhà đầu tư đầu tiên của Snapchat bởi quá ấn tượng với Spiegel, song ông lại nghĩ ý tưởng đằng sau ứng dụng quá ngu ngốc. “Tôi không tin vào sản phẩm. Ai cần những tấm ảnh biến mất chứ? Tôi cho rằng Spiegel sẽ chết với việc kinh doanh sai lầm này”, ông nói với Business Insider.

Tuy nhiên, Spiegel đã bước đi rất nhanh bằng việc bỏ học ở Stanford khi chỉ còn hoàn thành vài tín chí nữa là có thể tốt nghiệp, để dành hoàn toàn thời gian cho Snapchat cùng hai đồng sự. Nhóm phát triển ứng dụng với tin nhắn biến mất với tên gọi đầu tiên là Picaboo năm 2012, văn phòng đặt tại chính nhà bố của Spiegel ở Palisades và chuyển sang văn phòng khác gần đó một thời gian sau.

Năm 2013, Reggie Brown kiện Spiegel và Murphy sau khi anh bị buộc rời khỏi công ty. Cuối cùng, Snapchat phải trả Brown 157,5 triệu USD cho một cuộc ra đi chính thức.

Evan Spiegel và đồng sáng lập Bobby Murphy (trái). Ảnh: Los Angeles Times.

Không lâu sau đó, nhiều nhà đầu tư đến gõ cửa Spiegel với mong muốn mua lại Snapchat, trog đó có Facebook với lời đề nghị hấp dẫn trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà sáng lập quyết định lắc đầu với mọi lời mời hấp dẫn. Ngay sau khi bị từ chối, Facebook đã thử làm một bản sao của Snapchat mang tên Poke song thất bại.

CEO cho biết một trong những điều quan trọng đặc biệt trong thời gian khởi đầu dự án là có thể nói “không” với mọi thứ. Theo tỷ phú trẻ tuổi, việc tập trung trong những ngày đầu khi nguồn lực còn hạn chế là khác biệt quan trọng để xây dựng doanh nghiệp thành công.

Trong những tháng đầu của Snapchat, anh phải vật lộn với câu hỏi là cái nào nên đồng ý và cái nào phải từ chối. “Tôi nghĩ có một nguyên tắc nhỏ là nói không với 99% những đề xuất và chỉ tập trung trong việc mang lại giá trị cho khách hàng”, anh chia sẻ.

Khi nền tảng người dùng và giá trị của Snapchat tiếp tục tăng trưởng, Spiegel nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trong thế giới công nghệ và truyền thông. Sau khi ứng dụng hoàn tất vòng gọi vốn lớn vào tháng 6/2015, Spiegel đã tự thưởng cho mình một con Ferrari màu đỏ cáu cạnh.

Tháng 2/2016, Snapchat cho Spiegel vay 15 triệu USD. Công ty huy động được 175 triệu USD một tháng sau đó, nâng giá trị lên 16 tỷ USD. Nhà đồng sáng lập đã trả hết tất cả khoản tiền mượn của Snapchat trong năm đó. Tháng 9/2016, anh đổi tên Snapchat thành Snap Inc. và gọi là “công ty camera”, đồng thời hé lộ một chiếc kính có trang bị camera với tên gọi Spectacles.

Hiện Spiegel và Murphy mỗi người nắm 18% cổ phiếu biểu quyết của Snapchat, giúp họ nắm giữ quyền kiểm soát trong hội đồng quản trị công ty. Spiegel cho biết sứ mệnh của anh tại Snap là “phát minh lại camera”. Anh đã định vị công ty chống lại Facebook khi muốn kết nối giao tiếp chỉ giữa những người bạn thân thiết với nhau. CEO cũng nói với tờ LA Times là muốn “truyền cảm hứng sáng tạo”.

Evan Spiegel bên vợ là siêu mẫu nổi tiếng Miranda Kerr. Ảnh: Reuters.

Spiegel cũng nổi tiếng là người quan tâm đến lĩnh vực thời trang nhiều hơn hầu hết các CEO trong lĩnh vực công nghệ. Anh từng xuất hiện trên trang bìa tờ Vogue Italy tháng 10/2015. Nhà đồng sáng lập Snapchat có bằng phi công lái trực thăng và rất thích cắm hoa. Dù không phải lúc nào cũng mặc một chiếc áo như Mark Zuckerberg, Spiegel cũng có chiếc áo đặc trưng mang thương hiệu James Perse với cổ hình chữ V và màu trắng, giá trên thị trường là 60 USD.

Spiegel nổi tiếng là người đánh giá cao các bí mật trong kinh doanh cũng như đời sống cá nhân. Triết lý này được truyền cảm hứng từ hình mẫu mà anh hướng đến là nhà sáng lập Apple Steve Jobs – người có bức chân dung in trong phòng làm việc của CEO 9x.

Snapchat nổi tiếng là một trong những công ty công nghệ bí mật nhất thế giới. Các nhân viên thường không biết về các sản phẩm công ty đang làm cho đến khi chính thức công khai. Trong khi mọi người ở các bộ phận ngồi cạnh nhau trong một tầng có không gian mở, nơi làm việc của Spiegel lại tách biệt ở tầng trên cùng của một tòa nhà. Cửa văn phòng luôn khóa và được bảo vệ bởi một bộ phím đặc biệt.

“Lần đầu nhìn thấy nó, tôi cảm nhận rằng cậu ấy là người không ai có thể chạm tới. Cậu ấy đưa ra mọi quyết định và nhìn xuống mọi người”, một cựu nhân viên từng làm việc cho Snapchat cho biết.

So với truyền thống cho nhân viên thử sản phẩm trước khi trình làng của nhiều công ty công nghệ khác, người làm việc ở Snapchat không bao giờ biết việc họ đang làm có mục đích gì và sản phẩm mới sẽ ra mắt thời điểm nào. Họ chỉ thực hiện những công việc được giao. Có những câu chuyện huyền thoại rằng nhân viên của Snapchat chỉ biết về sản phẩm mới khi đọc chúng trên trang web của công ty.

Chiến lược này phần nào mang đến hiệu quả trong việc loại bỏ rò rỉ thông tin nhưng cũng khiến mọi người không biết được hướng đi của công ty. Nhân viên tại đây cũng được khuyến khích không đăng tải vị trí và mô tả công việc của mình trên mạng xã hội, hay bàn luận các vấn đề của công ty tại quán bar hoặc những nơi công cộng.

Snapchat cũng không có một văn phòng trung tâm duy nhất như Google hay Apple mà nhân viên được phân tán trong các tòa nhà khác nhau ở Los Angeles. Nhiều nhân viên thậm chí còn không biết các văn phòng khác của Snap ở đâu ngoài nơi họ ngồi làm việc. Đầu mối duy nhất về công ty chính là biểu tượng với hình ảnh con ma nhỏ được dán trước văn phòng.

Biểu tượng con ma nhỏ đặc trưng của Snapchat. Ảnh: AP.

Các nhân viên cũng không có thông tin hay cơ hội gặp gỡ nhiều đồng nghiệp khác cùng công ty. Các cuộc họp thường diễn ra ở các nhóm nhỏ. Trong trường hợp phải thảo luận nhiều nhóm, cuộc họp thường kéo dài 15 phút bằng việc đi bộ ở bãi biển Venice giữa các tòa nhà.

“Tôi chắc chắn không cảm thấy mình là một phần giá trị của công ty. Nếu không biết chuyện gì sẽ xảy ra và chỉ có thể đọc về công ty mình đang làm qua tin tức, bạn sẽ cảm thấy như người ngoài cuộc và giống một kẻ ngốc”, một cựu nhân viên nói.

Khi bắt đầu gọi vốn cho Snapchat, Spiegel chỉ mới 21 tuổi và chưa tốt nghiệp. Anh đã đi thẳng từ một sinh viên thành CEO và tỷ phú tự thân trẻ tuổi của hôm nay, bằng phong cách làm việc và quản trị của riêng mình. Tuy nhiên, đối mặt với những áp lực trong hành trình phát triển của Snapchat cũng không phải là chuyện dễ dàng với Spiegel, dù con đường có thể được mọi người đánh giá bằng phẳng hơn nhiều người khác.

Anh cho biết điều quan trọng nhất là thật sự vui vẻ và tận hưởng quá trình. “Bởi chỉ khi thật sự thích thú với độ tăng trưởng, về mặt cá nhân và cả công ty, lúc đó bạn mới có thể cháy hết mình”, tỷ phú trẻ tuổi nói.

Để xem các tin bài khác về khởi nghiệp, hãy nhấn vào đây.

(Nguồn: Trương Sanh/ VnExpress, Business Insider)          

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories:
write a comment

0 Comments

No Comments Yet!

You can be the one to start a conversation.

Add a Comment

Your data will be safe! Your e-mail address will not be published. Other data you enter will not be shared with any third party.
All * fields are required.