Thế giới đang có những thay đổi mới trong định hướng phát triển, đó là cấu trúc lại nền kinh tế, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh. So với mức độ đầu tư toàn cầu, đầu tư cho kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào kinh tế xanh của toàn cầu.
Ở Mỹ, mô hình tăng trưởng bền vững đã được Tổng thống Obama đưa ra năm 2009, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo hướng “Kinh tế các bon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Trong công nghiệp, vấn đề được chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Đặc biệt, xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời thông qua việc sản xuất ra nhiều tấm pin đã và đang được triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó là những ngôi nhà và khu dân cư thân thiện môi trường hay còn gọi là các ngôi nhà xanh được hình thành (Green houses) bởi một tổ chức phi lợi nhuận với sự tài trợ của Chính phủ và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng đồng bộ từ đường sá, thu gom phân loại và xử lý rác, các công nghệ mới được đưa vào ngôi nhà, không gian xanh phù hợp. Xu hướng mới xây dựng nhà công sở cũng được thiết kế và xây dựng theo dạng ngôi nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa thiên nhiên, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác được đưa vào là hướng tiếp cận mới đã được thực hiện ở Mỹ, theo kiểu “Kinh tế cacbon thấp”, nhưng đó cũng là nội dung hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh”.
Hình minh họa
Các nước Tây Âu và Nhật Bản, xu hướng phát triển cũng hướng tới “Nền kinh tế sạch”, “Kinh tế cacbon thấp” và phát triển “Nền kinh tế xanh”. Quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển đầu tư vào khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R) ở các nước phát triển đã xuất hiện từ lâu. Và hiện nay, đang hướng tới lộ trình thực hiện và thúc đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành cacbon thấp mới hình thành, nằm trong hệ thống kinh tế toàn cầu của nhóm nước công nghiệp phát triển (OECD). Tây Âu thúc đẩy đưa các chỉ tiêu về cacbon thấp vào hệ thống quy định quốc tế, với sự ra đời của tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về “Dấu chân cacbon”. Còn Nhật Bản tích cực xu hướng giảm thiểu cacbon thông qua Nghị định thư Kyoto, thực hiện triệt để chiến lược 3R “Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải” và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ở Autralia, bảo vệ tài nguyên và môi trường cơ bản dựa trên đặc thù của hệ sinh thái, dựa trên tiếp cận biên và khả năng chịu đựng của hệ sinh thái để có phương án khai thác sử dụng, quy hoạch và bảo vệ hợp lý.
Mô hình phát triển của nhóm các nước mới nổi lên nhờ quá trình công nghiệp hóa như Hàn quốc, Singapore… đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên ngay từ đầu. Chính vì vậy, họ đã rút ngắn khoảng cách phát triển không chỉ đạt mục tiêu kinh tế mà chú trọng tới môi trường. Hiện nay các nước này tiếp tục phát triển theo xu hướng “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế cacbon thấp” và hướng tới nền kinh tế xanh.
Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh có trình độ công nghệ thấp hơn các nước phát triển, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, sẽ bị lôi kéo vào xu thế phát triển mới. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho các nước này tham gia để khôi phục nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi và giảm nghèo. Việc tiếp cận mô hình phát triển “kinh tế xanh” sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần có sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi.
Trên cơ sở nhận thức kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ tài nguyên và môi trường, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm quý giá trên bước đường xây dựng đất nước. Những nước phát triển sau như Việt Nam nếu biết khắc phục những tồn tại mà các nước đi trước đã gặp phải, phát huy những kinh nghiệm tốt họ đã thành công, chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển, không chỉ có sự tăng trưởng kinh tế cao mà còn bảo vệ được tài nguyên và môi trường phù hợp với xu thế mới của thế kỷ XXI là phát triển bền vững.
(Nguồn: Tạp chí Công thương)