Khi các nguồn tài nguyên truyền thống dần cạn kiệt và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho môi trường thì năng lượng điện hạt nhân trở thành giải pháp tối ưu nhất của nhân loại.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam của Ấn Độ do Nga thiết kế và xây dựng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm gần ba triệu người thiệt mạng mỗi năm. Con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025. Những cảnh báo trên càng hối thúc các quốc gia tìm kiếm nguồn nhiêu liệu thay thế như: gió, mặt trời, khí, đặc biệt là năng lượng từ nguyên tử hạt nhân.
Với lịch sử phát triển trên 50 năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, điện hạt nhân đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng đối với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo anh ninh năng lượng, thực hiện đa dạng hóa nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Công bố mới đây của Hội Hóa học Mỹ cho thấy, việc sử dụng điện hạt nhân trên toàn cầu giai đoạn 1971 – 2009 đã giảm được khoảng 64 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Đến giữa thế kỷ XXI, điện hạt nhân có thể ngăn chặn được khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm môi trường mỗi năm, ngăn được phát thải khoảng 80-240 tỷ tấn khí nhà kính.
Đồng thuận với đánh giá trên, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khẳng định, với việc tạo ra khoảng trên 16% lượng điện của thế giới, điện hạt nhân không những đạt được mục tiêu môi trường mà còn giải quyết bài toán giá thành và an ninh năng lượng cho các quốc gia.
Những nỗ lực để đảm bảo an ninh năng lượng cùng với việc thiết lập các yêu cầu về bảo vệ môi trường là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của chương trình điện hạt nhân quốc gia. Điều này được minh chứng, hội nghị năng lượng quốc tế tổ chức thường niên, các nước đều cử nguyên thủ quốc gia tới tham dự để đạt được sự đồng thuận cao trong công tác triển khai thực hiện, phát huy tính ưu việt của nguồn năng lượng này.
Hiện nay, thị trường điện hạt nhân thế giới tới 500 tỷ USD và các nước công nghiệp tiên tiến đều sử dụng nguồn năng lượng này. Số liệu thống kê của IAEA cho biết, hiện nay trên thế giới có trên 440 lò phản ứng điện hạt nhân, chiếm trêm 15% tổng lượng cấp điện toàn cầu.
Đứng đầu là Mỹ có tới 104 lò phản ứng hạt nhân và cung cấp 20% điện hạt nhân cho ngành điện lực trong nước. Tiếp đó là Pháp 58 lò điện hạt nhân, Nhật Bản 54, Nga 32, Hàn Quốc 21, Ấn Độ 20, Trung Quốc 17.
Các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển – OECD có lượng điện hạt nhân chiếm trên 20%, điện hạt nhân của Pháp chiếm trên 75%.
Bên cạnh đó, hiện có trên 30 nước đang phát triển đã đề nghị IAEA giúp đỡ xây dựng và thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân đang được mở rộng tại khu vực Cận Đông, Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), trước xu thế chung của toàn cầu, việc lựa chọn nguồn năng lượng điện hạt nhân để thay thế nhiêu liệu truyền thống là tất yếu của Việt Nam.
(Nguồn: nangluongvietnam.vn)