Các nhà khoa học Australia chế tạo hai động cơ máy bay đầu tiên trên thế giới bằng công nghệ in 3D, mở đường cho sự ra đời của các thế hệ phi cơ mới.
Chế tạo động cơ máy bay từ công nghệ in 3D có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất máy bay với chi phí rẻ và nhẹ hơn
Động cơ mới được chế tạo bằng cách sử dụng phiên bản mẫu của động cơ tuabin từ hãng sản xuất Safran, Pháp, chuyên cung cấp máy móc cho hãng máy bay Airbus và Boeing. Nhóm chuyên gia tháo rời động cơ cũ, sau đó dùng máy quét các bộ phận cấu thành.
“Đây là một công nghệ đột phá. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều nghiên cứu ứng dụng chất liệu nhựa và polymer. Giờ đây, các nguyên liệu được sử dụng là kim loại, kim loại nhẹ và những thứ như titan, nikel, nhôm”, AFP hôm 25/2/2015 dẫn lời Ian Smith, chuyên gia của Đại học Monash, cho hay.
“Phương thức này cho phép các công ty hàng không vũ trụ rút ngắn chu trình sản xuất, vì chúng tôi đang tạo ra những động cơ có tốc độ nhanh hơn ba đến bốn lần so với bình thường”, Simon Marriott, giám đốc điều hành công ty Amaero Engineering, nói. Đây là công ty do Đại học Monash thiết lập nhằm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Theo Reuters, Amaero Engineering dự định in các bộ phận động cơ dành cho chuyến bay thử nghiệm trong vòng một năm tới và chứng nhận khả năng sử dụng thương mại trong vòng hai đến ba năm.
Trong tương lai, công nghệ này sẽ mở đường cho hoạt động sản xuất máy bay nhẹ hơn, chi phí rẻ và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Máy in kim loại 3D cũng có thể ứng dụng trong ngành công nghiệp y sinh học.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)