Các nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp Nam Phi (CSIR) đã phát triển thành công laser số đầu tiên trên thế giới, điều mà họ khẳng định là một “công nghệ đột phá” mở đường cho những ứng dụng mới trong một loạt lĩnh vực như y học, viễn thông.
Trong công nghệ laser truyền thống, một chùm tia laser hình thành bên trong một cái hộp được lắp đặt hai tấm gương, trong đó độ cong của các tấm gương xác định kích thước và hình dạng của chùm tia.
Ảnh: techtransfer.csir.co.za
Nếu một nhà nghiên cứu hoặc nhà sản xuất cần một chùm tia khác, họ hoặc phải thay thế một trong những tấm gương này hoặc phải điều khiển chùm tia khi nó ra khỏi hộp bằng cách sử dụng một bộ điều biến ánh sáng không gian. Thao tác này là một công việc phức tạp và tốn kém.
Các nhà nghiên cứu tại CSIR đã tìm được cách biến đổi chùm tia ngay trong hộp thông qua việc thay thế một trong những tấm gương với sự trợ giúp của công nghệ điện toán.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Pretoria ngày 17/9, giáo sư Andrew Forbes – trưởng nhóm nghiên cứu trên, cho rằng đây là một tiến bộ đáng kể so với phương pháp điều khiển laser truyền thống, vốn đòi hỏi phải sắp xếp lại một cách tốn kém các thiết bị laser.
Trong khi đó, ông Sandile Ngcobo, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại CSIR, cho rằng laser kỹ thuật số do CSIR phát minh là một bước đột phá có thể làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống trong nhiều lĩnh vực, hứa hẹn mở ra những thị trường mới trong vài năm tới.
(Nguồn khoahoc.com.vn)