Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng cao, nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khiến giá trị gia tăng không cao.
Ngày 23/9/2013, DoosanVina (Quảng Ngãi) đã xuất chuyến hàng thứ hai thuộc Dự án Chế tạo và Cung ứng hai nồi hơi dòng thẳng siêu tới hạn, công suất 800 MW, cho nhà máy nhiệt điện Kudgi của Ấn Độ. Hợp đồng này góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của DoosanVina tăng thêm 77 triệu USD.
Chưa nói đến chuyện đây là sản phẩm nồi hơi được sản xuất dưới những điều kiện hết sức nghiêm ngặt và hiện chỉ rất ít nhà máy trên thế giới có thể sản xuất được, thì việc DoosanVina liên tục có những chuyến hàng xuất khẩu đã đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI nói riêng, cả nước nói chung trong chín tháng đầu năm 2013, với khoảng 250 triệu USD.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chín tháng đầu năm nay, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 96,5 tỷ USD của cả nước, khu vực FDI đóng góp tới 63,9 tỷ USD (tính cả dầu thô). Còn nếu không tính dầu thô, con số này là 58,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước”, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) thừa nhận, nhưng cũng nhắc tới việc doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn, nhưng nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu hoạt động sản xuất – kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện “huy chương vàng” xuất khẩu nên trao cho khối doanh nghiệp FDI. Hai năm gần đây, trong khi khối doanh nghiệp nội đuối sức, thì doanh nghiệp FDI tăng tốc vượt bậc, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn. Chẳng hạn, 8 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch 13,393 tỷ USD, thì khối FDI đóng góp 13,286 tỷ USD. Với giày dép, tỷ lệ này là 4,18 tỷ USD/5,47 tỷ USD. Còn máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 6,656 tỷ USD/6,775 tỷ USD…
Con số sẽ tăng cao hơn nữa, khi ước tính, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 15,1 tỷ USD; dệt may 13,1 tỷ USD; hàng điện tử và linh kiện 7,8 tỷ USD…
“Đây là một đóng góp rất lớn của khối doanh nghiệp này, nhưng câu chuyện cần bàn là làm thế nào để tăng dần giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu này. Ví dụ với Samsung, làm sao để tăng giá trị gia tăng của họ từ 10 – 15% hiện nay lên 20 – 30% và cao hơn nữa”, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo khoa học Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh, tổ chức cuối tuần qua tại Bắc Ninh.
DoosanVina trong sáu tháng đầu năm 2013 xuất khẩu 196,347 triệu USD, nhưng đồng thời cũng nhập khẩu hơn 88,7 triệu USD. Còn Samsung, nửa đầu năm xuất khẩu 11 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng lên tới 9,3 tỷ USD…
Lý do dẫn đến tình trạng đó, theo Tiến sĩ. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào.
“Chừng nào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển, mà phải là công nghiệp công nghệ cao, thì chưa thể nói đến chuyện giá trị gia tăng cao”, ông Thiên nói.
Sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu của nền công nghiệp Việt Nam khiến ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thốt lên rằng: “Mong thoát kiếp gia công”.
Nếu thoát kiếp gia công, thì tấm huy chương mà Việt Nam dành cho doanh nghiệp FDI trong đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa.
(Nguồn baodautu.vn)