Robot đang thay thế con người ở những công việc nào?

Tháng Mười Hai 06 15:00 2019

Những công việc lặp đi lặp lại theo chu kỳ và không đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm sẽ nhanh chóng được thay thế nhiều hơn bởi robot vào 2020.

Chia sẻ với VnExpress, bà Trương Bích Đào, Giám đốc nhân sự Nestle Việt Nam cho biết, từ khi doanh nghiệp sử dụng robot trong kho hàng, năng suất tăng lên đáng kể, tiết kiệm 50% nhân lực, hàng hóa an toàn và dễ dàng quản lý.

Trước đây nhà kho chứa hàng sử dụng xe nâng và nhân sự điều khiển, tối đa cũng chỉ xếp được đến tầng thứ 5 hàng hoá. Tuy nhiên, khi sử dụng robot thì cấp độ được tăng lên, chúng có thể đưa hàng hóa lên xuống tới 10 tầng, đặc biệt, hàng hóa được mã hóa bằng mã (code) cụ thể nên rất dễ dàng trong quản lý.

Không chỉ Nestle mà ở Việt Nam, Vinamilk, TPBank, các cơ sở sản xuất ôtô, dệt may… cũng đang ứng dụng robot, công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh. Nhà máy Mega của Vinamilk làm tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên tấm kê hàng (pallet). Do đó, lượng nhân công làm các công việc này so với trước đây giảm cả nghìn người.

Hay như TPBank, thay vì mở chi nhánh lớn họ trang bị thêm các LiveBanking với chỉ một bảo vệ. Khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch thông qua máy tự động và có thể kết nối với nhân viên trực tiếp từ xa nếu có những giao dịch chuyển khoản hoặc rút tiền với số lượng lớn. Điều này cũng giúp giảm được lượng nhân sự gấp nhiều lần.

Robot thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Ảnh minh họa.

Cũng cho rằng robot đang dần thay thế một vài công việc đơn giản của con người, tại hội nghị “Tầm nhìn nhân sự toàn cầu đến năm 2020”, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam – Thái Lan – Trung Đông đưa ra bằng chứng, 45% tác vụ trong công việc sẽ bị thay thế bởi robot.

Tuy nhiên, 55% lượng công việc còn lại vẫn do con người thực hiện. Do đó, những công việc như hành chính văn phòng, tài chính, kế toán, may mặc… là nhóm ngành sẽ được robot thay thế nhiều nhất trong 2020 và tỷ lệ lao động bình quân giảm khoảng 2-9%. Ở chiều ngược lại, nhân viên tuyến trên, thường xuyên tiếp xúc khách hàng lại tăng 4-13%.

Theo ông, robot sẽ chỉ làm được những công việc lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ, đơn giản. Chẳng hạn, tại một nhà máy chuyên sản xuất dứa, trước đây công đoạn cắt dứa, vận chuyển do con người làm thì sẽ thay thế bằng robot. Tuy nhiên, công việc giao dịch với khách hàng robot sẽ không thể làm tốt hơn con người.

Với các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cảm xúc thì robot dường như còn cần một chặng đường nghiên cứu khá dài. Do đó, lao động phổ thông giảm nhưng đối với lao động cần kỹ năng sẽ ngày càng tăng và đòi hỏi người lao động phải luôn cập nhật kỹ năng mềm, khả năng tự vận hành và ứng dụng các thiết bị công nghệ để trở thành người đa năng. Lúc đó, thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng mạnh mà không lo thất nghiệp.

Theo nghiên cứu “Cuộc cách mạng kỹ năng 4.0” của ManpowerGroup, robot cần con người. Hiện, 87% nhà tuyển dụng toàn cầu lên kế hoạch gia tăng và duy trì số nhân viên trong 3 năm qua. Đây là con số khảo sát dựa trên 19.000 nhà tuyển dụng tại 44 quốc gia.

Lượng công ty áp dụng số hóa ngày càng tăng và điều này cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng công việc, bao gồm công việc mới. Các tổ chức đang áp dụng tự động hóa cho biết, họ tự tin gia tăng số lượng tuyển dụng. Hiện, có đến 84% nhà tuyển dụng xây dựng kế hoạch nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình vào năm 2020. 79% nhà tuyển dụng dự định sẽ trả mức lương cao hơn thị trường để thu hút nhân tài.

“Đúng là ngày càng nhiều robot được bổ sung vào lực lượng lao động, nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng theo. Bởi, robot chỉ có thể thay thế con người ở những công việc lặp đi lặp lại chứ những công việc đòi hỏi kỹ năng thì chỉ con người có thể làm tốt nhất”, bà Trương Thị Bích Đào nói.

Bà cũng giải thích thêm, tại Nestle, robot đang thay thế con người làm một vài công việc tại nhà xưởng, còn các công việc đòi hỏi kỹ năng cao thì công ty vẫn còn thiếu nhân sự. Do đó, công ty thay vì sa thải nhân viên lao động cấp thấp thì hướng họ nâng cao năng lực để vừa quản lý robot vừa tiếp nhận thêm những công việc mà chỉ con người mới có thể làm được và họ hoàn toàn được trả mức lương xứng đáng hơn so với trước. Nestle đang tận dụng toàn bộ nhân sự và nâng cấp cho họ nhiều kỹ năng mềm. Có những cá nhân tham gia chương trình đào tạo dài hạn kéo dài, thậm chí họ còn được gửi đi các trường đại học để có cập nhập thêm kiến thức và xu hướng.

Để xem các tin bài khác về Tự động hóa, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Thi Hà/ VnExpress)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: