Hàn vảy cũng giống như các công nghệ hàn khác là quá trình nối các chi tiết kim loại (hoặc hợp kim) với nhau thành liên kết không thể tháo rời bằng cách sử dụng nhiệt và một hợp kim bổ sung có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn nhiệt độ nóng chảy của kim loại cơ bản.
Hàn vảy thông thường là phương pháp hàn dị chất, nghĩa là độ nóng chảy của kim loại đắp phải nhỏ hơn kim loại hàn và kim loại đắp không cùng tính chất với vật hàn. Từ xa xưa do khoa học chưa phát triển người ta sử dụng lò rèn là chính, vì không thể làm chủ đường hàn với các kim loại mỏng khi hàn trên lò. Do đó người xưa dùng thau hàn hay còn gọi là hợp kim của đồng với kẽm, sau khi đúc thành thỏi người ta giũa ra lấy mạt để hàn cùng với hàn the. Do để mạt thau dưới ánh sáng mặt trời có hình lấp lánh như vảy cá từ đó xuất hiện từ hàn vảy thau.
Đặc điểm của hàn vảy
– Hàn vảy có thể tiến hành trong lò có khí bảo vệ, máy hàn trong chân không hoặc trong lò muối, do đó không yêu cầu thuốc hàn. – Với phương pháp hàn này thì chi tiết nhỏ gọn, bề mặt mối hàn phẳng, đẹp. – Tiết kiệm chi phí – Sau khi hàn vảy không cần gia công cơ khí. Chi tiết hàn vảy không có ứng suất cục bộ như hàn bằng các phương pháp hàn khác. – Trong sản xuất hàng khối, tất cả các chi tiết hàn đều có chất lượng giống nhau. – Hàn vảy có thể chế tạo được những sản phẩm mà các phương pháp hàn khác không thực hiện được. – Phương pháp này thì không cần công nhân có trình độ chuyên môn cao. – Phương pháp hàn vảy có thể nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là trong sản xuất hàng khối, những sản phẩm hàn nhiều mối hàn cùng một lúc.
Công dụng của hàn vảy
Hàn vảy là một phương pháp hàn đơn giản được sử dụng rộng rãi trong các ngành kỹ thuật điện, radio, hàn dụng cụ cắt kim loại, dụng cụ nhiệt, dụng cụ gia đình…
(Theo cmfvietnam.com)