Máy cuốn rơm tự hành do nhà sáng chế không chuyên Phan Tấn Bện (Đồng Tháp) chế tạo phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, giúp nông dân giảm công lao động, tăng thu nhập.
Nếu như tại miền Bắc và miền Trung, người dân vẫn đốt rơm rạ để lấy tro bón ruộng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thì trên những cánh đồng Nam Bộ, hình ảnh chiếc máy cuốn rơm đã trở nên quen thuộc với bà con. Đến với Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015), khách tham quan tỏ ra thích thú với máy cuốn rơm PT.CR57 của nhà sáng chế Phan Tấn Bện, Công ty Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (Đồng Tháp).
Máy cuốn rơm PT.CR57 tại Techmart 2015
Máy cuốn rơm PT.CR57 dài 4,2 m, rộng 2,2 m, chạy bằng động cơ diesel với năng suất 80-120 cuộn/giờ. Người dùng có thể lựa chọn kích thước cuộn rơm theo đường kính hoặc theo khối lượng rơm. Máy có thùng chứa lớn, cho phép chở tối đa 30 cuộn rơm hoặc một tấn nông sản đưa về nơi thu gom, bảo quản.
Ông Võ Trung Lập, phó giám đốc công ty Phan Tấn cho biết, PT.CR57 phù hợp hơn với điều kiện sản xuất của Việt Nam, khắc phục được nhiều nhược điểm của các sản phẩm nội địa và nhập khẩu đang bán trên thị trường. Bộ phận lấy rơm ở phía trước giúp rơm không bị bánh xe cán qua nên sạch hơn loại máy cuốn rơm gắn vào sau đầu kéo máy cày. Ngoài ra, PT.CR57 sử dụng bánh xích cao su nên có thể dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình từ mặt ruộng khô, ướt tới lầy thụt, khắc phục được hạn chế của máy cuốn rơm nhập khẩu chạy bằng bánh lốp cao su chỉ vận hành tốt trên đồng khô.
Hiện nhu cầu sử dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, chèn lót hoa quả, ủ phân vi sinh… ngày càng tăng. Rơm rạ sau thu hoạch được đóng cuộn dễ vận chuyển và bảo quản, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi cuộn rơm bán ở bờ ruộng giá 15.000-20.000 đồng, còn nếu giao tận các trang trại gia súc giá tăng lên thành 35.000-40.000 đồng.
Tuy nhiên, giá bán máy cuốn rơm hiện còn cao so với khả năng của đa số nông dân. Chiếc PT.CR57 tuy sản xuất trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu hộp số và bánh xích từ Trung Quốc, giá bán 286 triệu đồng. Sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Nhật Bản giá trên 400 triệu đồng.
Tới Techmart 2015 lần này, ông Võ Trung Lập hy vọng sẽ giới thiệu được sản phẩm tới các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân miền Bắc, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa và nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
(Nguồn Vnexpress.net – Minh Hiền)