Công nghiệp hỗ trợ: Thị trường mở đầy tiềm năng

Tháng Mười 13 12:45 2015

Thị trường rộng mở
Hiện nay, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm cuối cùng, từ đó giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 9, đã có 397 dự án đầu tư có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2.362 triệu USD, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành: bất động sản, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp… Đặc biệt, một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu cao về linh kiện tại chỗ của các nhà sản xuất. Đây là dịp để các doanh nghiệp nội địa nắm bắt cơ hội và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn.

Tại các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM, hiện có khoảng hơn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô… Sản phẩm của các doanh nghiệp này hầu hết được xuất ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này cho thấy liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Ngành công nghiệp hỗ trợ là một thị trường rộng mở

Nguồn cung ứng nội địa là mối quan tâm của doanh nghiệp FDI
Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện JETRO văn phòng Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Nhật Bản đang là quốc gia có số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ nhất. Do đó, một trong những mối quan tâm chính của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là khả năng cung ứng linh kiện nội địa của các doanh nghiệp trong nước.

Theo kết quả “Điều tra thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương” do JETRO tổ chức hàng năm thì trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, chi phí nhân công chiếm 17,4%, trong khi chi phí nguyên vật liệu, linh kiện lên đến 58%. Cho nên, việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất là vấn đề quan trọng, liên quan đến năng lực cạnh tranh về giá. Và việc giải quyết vấn đề này liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa.

Cũng theo điều tra trên, 78% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có định hướng nâng cao tỷ lệ cung ứng trong nước ở Việt Nam. Trong đó, số doanh nghiệp trả lời là coi trọng việc cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 77%, qua đó giúp cắt giảm chi phí và thời gian cung ứng.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, nếu chỉ có sự nỗ lực của doanh nghiệp không thôi thì sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt đến mức giới hạn. Đó là do nền tảng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu kém, gây cản trở nhiều đến việc phát triển công nghiệp phụ trợ. Do đó, để phát triển mạnh hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cần phải có vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc định hướng và xây dựng những chương trình, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nước nhà.

Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong ngành doanh nghiệp hỗ trợ

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu bao gồm: Lĩnh vực linh kện phụ tùng kim loại, nhựa – cao su, điện – điện tử; Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày và Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa – cao su, điện – điện tử, mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp. Năm 2030 sẽ đáp ứng 80% nhu cầu này. Các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử… được ưu tiên phát triển, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm linh kiện, phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế.

Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dùng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này. Từ đó, hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo,  nhựa, cao su, composit, hóa chất cơ bản, vật liệu điện tử…

(Nguồn: khampha.vn – Thiện An)

 

Bình luận hay chia sẻ thông tin