[Hannover Messe 2020] Quy trình sản xuất hydro từ khí metan thân thiện với môi trường

Tháng Ba 31 07:00 2020

Hannover Messe 2020 – hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và máy móc công nghiệp, là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức) tại Hannover. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17/07/2020. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lớn nhất hành tinh này.

Metan là thành phần chính có trong khí thiên nhiên, một loại nhiên liệu hóa thạch đang được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều ứng dụng và nó cũng chính là một trong những yếu tố làm tăng nồng độ CO2, do đó làm thay đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, Viện Khoa học Công nghệ Karlsruhe (KIT) tại CHLB Đức, Viện nghiên cứu cao cấp về tính bền vững (IASS) và công ty Wintershall Dea đã phát triển một quy trình nhiệt phân metan mà không phát thải CO2 để sử dụng trong công nghiệp.

Sản xuất hydro

Cùng với Viện nghiên cứu cao cấp về tính bền vững (IASS), nhóm nghiên cứu của Giáo sư Thomas Wetzel, đến từ Viện Khoa học Công nghệ Karlsruhe (KIT) đã phát triển một quy trình “phá vỡ metan” hay còn gọi là nhiệt phân metan. Khái niệm “phá vỡ metan” đã ra đời từ rất lâu, nhưng bị giới hạn bởi tỷ lệ chuyển đổi thấp và tắc nghẽn carbon. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh lại quy trình bằng cách sử dụng một thiết kế lò phản ứng mới với công nghệ kim loại lỏng, làm từ thạch anh và thép không gỉ. Từ đó, khí hydro và carbon sẽ được tách ra trong lò phản ứng chứa đầy kim loại lỏng. Bong bóng khí metan sẽ được bơm vào những cột thiếc nóng chảy. Khi lên cao tới bề mặt, carbon được tách ra và lắng đọng lại thành bột ở đầu cuối của lò phản ứng. Là một chất nguyên chất, carbon có thể được lưu trữ an toàn ở dạng rắn và được sử dụng cho vô số các mục đích công nghiệp khác nhau. Bên cạnh đó, khí hydro có thể được sử dụng như một nguồn năng lượng sạch trong các lĩnh vực như nhiệt, điện, vận tải hoặc trong các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như trong quy trình sản xuất thép. Giáo sư Thomas Wetzel giải thích rằng: “Nhiệt phân trực tiếp khí metan và các hydrocarbon khác có thể sản xuất khí hydro mà không gây phát thải CO2”.

Nhờ vào phát triển này, các nhà nghiên cứu đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo Công nghiệp về Khí của CHLB Đức. Viện Khoa học Công nghệ Karlsruhe và đối tác công nghiệp của mình – công ty Wintershall Dea hiện đang tiến hành dự án đầu tiên, với mong muốn đặt nền móng cho việc sử dụng quy trình nhiệt phân metan trong tương lai của ngành công nghiệp.

Để xem các tin bài khác về Hannover Messe 2020, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Barbara Rusch/ Hannover Messe 2020)

Bình luận hay chia sẻ thông tin