Ngày nay, chủ đề về ô nhiễm môi trường đang liên tục nóng hơn trên các mặt báo, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như ô nhiễm nhựa và phát thải carbon. Vì vậy, hàng loạt các công ty từ nhiều lĩnh vực đã tiến hành những chiến lược mới, cam kết giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường thông qua việc phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường từ các vật liệu sáng tạo.
Tập đoàn ô tô của Mỹ – Ford, là một ông lớn trong ngành sản xuất ô tô thế giới, cũng không ngoại lệ. Ford vừa tuyên bố sẽ hợp tác với hãng thức ăn nhanh McDonald’s để sản xuất các bộ phận và linh kiện ô tô từ hạt cà phê. Đây liệu chỉ là một chiêu thức quảng cáo “giật tít” hay là một cách tiếp cận nghiêm túc của ông lớn trong ngành ô tô nhằm hướng đến một tương lai sản xuất bền vững?
Nhiều người vẫn đang thắc mắc tại sao Ford và McDonald’s có thể hợp tác với nhau, dù hai thương hiệu này đến từ hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau và làm cách nào để hạt cà phê, vốn được dùng để tạo ra thức uống có thể trở thành vật liệu để sản xuất các bộ phận của ô tô.
Theo Ford, vật liệu nhựa sinh học được làm từ vỏ trấu cà phê có thể được sử dụng để sản xuất một số bộ phận của ô tô, bao gồm vỏ đèn pha. Sau khi được tách lớp vỏ cứng bên ngoài, hạt cà phê sẽ được rang. Trong quá trình này, lớp vỏ mỏng trong cùng bao quanh hạt, hay còn gọi là vỏ trấu sẽ bị bóc tách và rơi ra. Thông thường, lớp vỏ này được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ nhưng ngày nay, chúng đang được dùng để sản phẩm nhựa sinh học. Để lớp vỏ này trở thành nhựa, chúng cần tiếp xúc với nhiệt độ cao trong môi trường thiếu oxy, đồng thời trộn với một số loại chất dẻo và phụ gia khác, tạo thành những miếng nhựa. Sau đó, những miếng nhựa này sẽ được nung nóng và đúc thành các chi tiết với hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Cụ thể, vỏ hạt cà phê tại McDonald’s sẽ được đưa đến công ty Competitive Green Technologies để xử lý và sản xuất thành những miếng nhựa sinh học thô. Sau đó, chúng được vận chuyển đến Varroc Lightning Systems – một nhà thầu phụ chuyên sản xuất đèn pha cho các sản phẩm xe của Ford.
Ưu điểm của việc sử dụng nhựa sinh học từ hạt cà phê, để sản xuất vỏ đèn pha thay cho nhựa và bột talc theo cách truyền thống là có thể giảm trọng lượng đèn lên tới 20% và tiết kiệm 25% năng lượng trong quá trình tạo hình.
Ngày nay, một số nhà sản xuất khác cũng đang thử nghiệm các vật liệu sinh học mới để sản xuất lốp xe. Chẳng hạn, công ty sản xuất phụ tùng ô tô đa quốc gia của CHLB Đức – Continental đã sản xuất thành công loại lốp thử nghiệm chiết xuất từ bồ công anh và cho chạy thử trong điều kiện thực tế. Hay hãng sản xuất bánh xe hàng đầu thế giới đến từ Pháp – Michelin đang lên kế hoạch thiết lập một nhà máy sản xuất butadien từ sinh khối, để sản xuất cao su tổng hợp.
Để xem các tin bài khác về “Ford”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Roland Freist/ Hannover Messe)