CHLB ĐỨC – Một dự án nghiên cứu về các vật liệu nhẹ đang được thực hiện tại thành phố Brunswick, CHLB Đức. Mục đích của nó là nhằm tìm ra những cách thức để xác định tốt hơn các lỗi hay khiếm khuyết có trong sản phẩm làm từ vật liệu nhẹ.
Nhóm nghiên cứu FOR3022 dưới sự dẫn dắt của Đại học Kỹ thuật Braunschweig đang nghiên cứu và theo dõi tình trạng của những cấu trúc vật liệu nhẹ. Các nhà khoa học đang dành sự chú ý đặc biệt đến một số vật liệu composite làm bằng nhựa gia cố sợi với lá kim loại (foil), hay còn được gọi là lớp kim loại cán mỏng dạng sợi (fiber-metal laminate). Những loại vật liệu nhẹ này đang được áp dụng vào ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Ví dụ, vỏ phía trên của thân máy bay Airbus A380 được làm từ một chất liệu kết hợp giữa hợp kim nhôm và nhựa gia cố sợi thủy tinh, gọi là Glare.
Để có thể dễ dàng xác định lỗi tiềm ẩn trong những loại vật liệu này, nhóm nghiên cứu đã tích hợp vào chúng các microsensor (cảm biến siêu nhỏ). Microsensor là những cảm biến được sản xuất ở quy mô cực nhỏ dưới dạng kính hiển vi sử dụng công nghệ MEMS. Trong hầu hết các trường hợp, một microsensor có thể đạt tốc độ và độ nhạy cao hơn đáng kể so với phương pháp vĩ mô. Cụ thể, các nhà khoa học muốn dùng sóng siêu âm được microsensor truyền qua các cấu trúc nhẹ để xác định thiệt hại do ứng suất va chạm gây ra, đặc biệt là xác định sự phân tách, nghĩa là các liên kết dính không còn giữ được nữa.
Ngoài Viện Thích ứng và Tích hợp Chức năng tại Đại học Kỹ thuật Braunschweig, các nhà khoa học từ Đại học Helmut Schmidt ở Hamburg và Đại học Bremen cũng tham gia vào dự án. Dự án đang được tài trợ bởi Hiệp hội nghiên cứu khoa học CHLB Đức (DFG).
Để xem các tin bài khác về “Vật liệu nhẹ”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Roland Freist/ Hannover Messe)