Hiện nay, trong bối cảnh các trang trại gió đang được khuyến khích lắp đặt trên toàn thế giới, thì tình trạng dư thừa điện năng ngày càng phổ biến. Để tái sử dụng nguồn điện này một cách hiệu quả, công nghệ Power to Gas (PtG) đã ra đời, sử dụng phương pháp điện phân nước để biến sản lượng điện thừa thành các dạng khí – giống hệt khí nhiên liệu trong tự nhiên, điển hình là khí hydro. Việc sản xuất hydro bằng máy điện phân với năng lượng từ các nguồn tái tạo hoàn toàn không phát ra khí CO2 gây hại cho môi trường. Đây hứa hẹn là một giải pháp khả thi trong việc cung ứng điện ổn định từ nguồn năng lượng tự nhiên thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo từ TÜV Süd, công nghệ biến điện năng thành khí (PtG) đang trên tiến trình phát triển vượt trội. TÜV Süd, có trụ sở tại CHLB Đức, là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật toàn diện và tích hợp hàng đầu thế giới về dịch vụ thử nghiệm sản phẩm, kiểm định, chứng nhận và đào tạo. Trong báo cáo của mình, TÜV Süd đã đề cập đến số liệu từ công ty tư vấn Ludwig Bölkow System Technology (LBST), cho đến cuối năm 2019, hơn 300 dự án biến điện năng thành khí (PtG) đã được công bố trên toàn cầu. Khi số lượng cơ sở hạ tầng tăng lên, quy mô của các dự án cũng lớn hơn. Tại CHLB Đức, máy điện phân có công suất điện định mức trên 10 MW sẽ được chế tạo để phục vụ cho các dự án này. Theo báo cáo, CHLB Đức đang là quốc gia tiên phong trong công cuộc PtG vì họ đang liên tục sử dụng và thử nghiệm các công nghệ hydro trong điều kiện thực tế.
Ở các quốc gia lân cận như Thụy Sĩ, công nghệ PtG cũng được phát triển mạnh mẽ. Điển hình là dự án xây dựng nhà máy PtG lớn nhất thế giới do công ty cung cấp năng lượng của Thụy Sĩ, Limeco hợp tác với công ty con của Viessmann – microbEnergy và công ty Schmack Biogas thực hiện. Mục đích chính của lần hợp tác này là tập trung vào công cuộc loại bỏ hạt nhân, giảm khí nhà kính và mở rộng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.
Để xem các tin bài khác về “Power to Gas”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: David Schahinian/ Hannover Messe)