Trong quá trình hàn điện nóng chảy, người thợ hàn luôn phải làm việc với máy hàn và que hàn điện, cùng các phụ kiện hàn kèm theo. Que hàn, công cụ giúp người thợ thao tác trong quá trình hàn, có rất nhiều loại tương ứng với các vật liệu cần hàn khác nhau và các vị trí khác nhau. Nếu như chúng ta biết cách sử dụng và bảo quản que hàn tốt thì sẽ giúp cho mối hàn mịn và sáng bóng đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.
1. Thao tác que hàn Với cùng khối lượng như nhau, que hàn có giá thành cao hơn nhiều so với hợp kim tương ứng dưới dạng rèn. Vì thế, cần tránh uốn và gõ mạnh đầu que hàn khi gây hồ quang vì có thể làm tróc lớp vỏ bọc, gây hư hại, đặc biệt trong trường hợp que hàn loại bazơ ít hydro đã được sấy ở nhiệt độ cao.
Ngoài ra, sử dụng cường độ dòng điện hàn cao hơn quy định của nhà sản suất sẽ làm que hàn bị nung quá mức và làm vỏ bọc của nó bị phân hủy, giảm tác dụng bảo vệ, đặc biệt đối với loại que hàn có vỏ bọc xelulo. Dòng hàn cao quá mức còn làm que hàn bị nóng, dẫn đến hỏng que hàn trước khi sử dụng hết chiều dài của que, làm tăng chi phí sản xuất. Để phòng ngừa rổ khí và nứt, cần tránh làm que hàn bị nhiễm bẩn dầu mỡ và các chất bẩn tại xưởng.
2. Bảo quản que hàn Cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo quản que hàn. Nếu cần, phải sấy lại que hàn theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng.
Hơi ẩm và nước trong vỏ bọc que hàn có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng mối hàn và thường được nhà sản xuất que hàn khuyến cáo giữ ở mức tối ưu. Mọi loại que hàn (trừ que hàn loại bazơ ít hydro) đều chứa một lượng nước thay đổi trong vỏ bọc. Một phần nước này ở dưới dạng liên kết hóa học với các thành phần của vỏ bọc que hàn. Phần còn lại tồn tại dưới dạng hơi ẩm thâm nhập vào các lỗ rỗng trong vỏ bọc từ không khí xung quanh, hoặc có trong nước thủy tinh (chất kết dính). Phần này có thể được loại bỏ thông qua công đoạn sấy ở 150ºC đến 450ºC trong nửa tiếng đồng hồ. Trong khi đó, phần nước liên kết hóa học trong vỏ bọc chỉ có thể loại bỏ bằng cách nung từ 1.000ºC đến 1.200ºC. Cần lưu ý, phần nước liên kết là phần không đổi đối với vỏ bọc, còn phần hơi ẩm thì thay đổi theo độ ẩm tương đối của không khí trong khu vực bảo quản que hàn. Để có được mối hàn đảm bảo về mật chất lượng, que hàn không được quá khô hoặc quá ẩm.
3. Bảo quản que hàn bazơ ít hydro Đây là loại que hàn không chứa các hợp chất hữu cơ và các thành phần chứa nước. Chúng thường được sấy tới nhiệt độ 350oC đến 425oC để loại bỏ hết nước khỏi chất kết dính silicat.
Các que hàn bazơ ít hidro phải được bảo quản trong điều kiện sao cho không hấp thu được hơi ẩm. Nếu không được bảo vệ, khi đưa ra khỏi bao trong vòng 24 tiếng đồng hồ, các que hàn này có thể hấp thu một lượng hơi ẩm quá mức quy định trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất que hàn thường đựng que hàn ít hydro trong các hộp nhỏ bằng nhựa kín hoàn toàn. Sau khi được đem ra khỏi hộp kín mà không dùng hết, que hàn phải được sấy lại khi dùng.
4. Bảo quản các loại que hàn khác Các loại que hàn không phải loại ít hydro thường được đựng trong các hộp carton hoặc hộp nhựa nhưng không kín hoàn toàn. Chúng thường có tuổi thọ bảo quản thông thường là sáu tháng, và có thể được kéo dài đến trên hai năm nếu được bao quản trong điều kiện khô ráo và được chăm sóc đặc biệt. Lượng hơi ẩm cân bằng trong vỏ bọc que hàn thay đổi theo độ ẩm tương đối của không khí. Khi độ ẩm này vượt quá 70%, que hàn sẽ hút ẩm nhanh. Lượng hơi ẩm mà không khí có thể chứa tăng lên theo nhiệt độ. Do đó, khi tổng lượng hơi ẩm trong không khí không tăng, hơi ẩm tương đối sẽ giảm khi nhiệt độ tăng, và tăng khi nhiệt độ giảm. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới điểm mà tại đó độ ẩm tương đối đạt 100%, hơi ẩm sẽ lắng đọng (điểm này gọi là điểm sương). Nhiều tháng trong năm, độ ẩm tương đối của không khí đạt tới 80% đến 90%. Lúc đó phải bảo quản que hàn trong các phòng có sấy nóng liên tục.
(Nguồn: maymoccongnghiep.com.vn)