Ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam thiếu và yếu toàn diện

Tháng Mười Hai 21 07:45 2015

Thiếu thông tin về thị trường, đối tác, đói vốn và công nghệ, hạn chế đầu tư nhà nước… là những nguyên nhân chính khiến công nghiệp chế tạo Việt Nam yếu kém và gần như là không có.

Theo một số chuyên gia, nhìn chung ngành công nghệ chế tạo của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức đơn giản, trình độ công nghệ tụt hậu từ 2-3 thế hệ so với khu vực và thế giới. Thực tế, có rất ít sản phẩm công nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh và có thương hiệu quốc tế, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước. Nếu Việt Nam không phát triển công nghiệp chế tạo chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.

Nganh-cong-nghiep-che-tao-Viet-Nam-thieu-01bHình minh họa

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Việt, giám đốc điều hành Công ty Fosllea (Nhật Bản), cho biết, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo thì rất nhiều. Trong đó phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo của nhà nước cho các doanh nghiệp; thiếu đường lối dẫn dắt cụ thể. Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn. Hầu như các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng cho đến sản xuất. Đối với ngành công nghiệp chế tạo, nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn là điều quyết định nhưng ở Việt Nam vấn đề này lại đang bị bỏ ngỏ. Bởi nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất.

Nếu so với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam còn yếu kém và thua xa. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia khâu lắp ráp là khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị. Do vậy, để ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam có thể cất cánh, nhà nước nên có chính sách khuyến khích và cơ chế hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp chế tạo. Còn các doanh nghiệp cần chấp nhận khó khăn ban đầu để đầu tư cho khoa học công nghệ, nhân sự thì mới có thể phát triển kịp với thị trường và bền vững trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới khép kín từ việc sản xuất sản phẩm cho đến việc phân phối và tiêu dùng, tránh phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Có thể thấy rằng, trong một thị trường toàn cầu ngày càng hội nhập, sự cạnh tranh không chỉ trong phạm vi các công ty, mà trong các dây chuyền, mạng lưới cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu cũng rất gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cũng phải nhìn nhận rằng, là một ngành công nghiệp còn mới, còn non trẻ, công nghiệp chế tạo cũng cần có một cú hích hỗ trợ để tồn tại và phát triển.

(Nguồn: sggp.org.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin