Tới 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực AFTA sẽ về 0%. Khi đó xe nhập khẩu sẽ rẻ hơn xe lắp ráp trong nước.
Giảm thuế phí đánh tụt giá xe Do cách tính thuế chồng thuế đối với ô tô nên khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô về 0%, giá xe nhập khẩu với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ giảm khoảng 20% so với giá hiện nay.
Như vậy, một chiếc xe có giá bán tại thị trường Việt Nam mức 700 triệu đồng hiện nay sẽ giảm 140 triệu đồng về mức 560 triệu đồng. Không những thế, khi giá xe giảm thì lệ phí trước bạ cũng sẽ giảm theo, từ 14-16 triệu đồng, làm cho chi phí mua xe giảm khá nhiều.
Trong khi đó xe lắp ráp trong nước sẽ gặp bất lợi lớn. Hiện thuế nhập khẩu linh kiện ô tô từ khu vực AFTA về Việt Nam (theo Form D) có thuế suất 5%. Đến 2018, dự kiến mức thuế nhập khẩu linh kiện từ AFTA về Việt Nam sẽ giảm còn 0%, còn từ các khu vực ngoài AFTA là 5%, thì giá xe lắp ráp trong nước được cho sẽ cao hơn giá xe nhập khẩu khoảng 1,2 lần.
Ảnh minh họa
Theo dự tính, 1 chiếc xe chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.0L lắp ráp trong nước hiện nay có giá 700 triệu đồng thì đến thời điểm 2018 sẽ giảm về mức 670 triệu đồng. Đắt hơn xe nhập khẩu hơn 100 triệu đồng và không giảm nhiều so với giá hiện nay.
Tuy nhiên những mẫu xe nằm trong dự án xe chiến lược vẫn có lợi thế nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa cao từ 40% trở lên.
Theo đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 những xe mẫu xe chở người từ 9 chỗ trở xuống , có dung tích xi lanh dưới 2.0L có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi, giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ so với các dòng xe khác.
Với mức này thì giá xe chiến lược sẽ giảm khoảng 27% và 1 chiếc xe có giá 700 triệu hiện nay đạt nội địa hóa 40% đến 2018 sẽ có giá bán khoảng 500 triệu đồng, cộng với lệ phí trước bạ cũng giảm mạnh, khoảng trên 50 triệu đồng, sẽ có lợi thé cạnh tranh so với xe nhập khẩu.
Còn với những xe có tỷ lệ nội địa hóa từ 25% đến dưới 40% vẫn được ưu đãi giảm thuế, phí, nhưng mức ưu đãi được cho là không lớn, tạo ra lợi thế cạnh tranh không đáng kể so với xe nguyên chiếc nhập khẩu.
Với các mẫu xe có dung tích xi lanh trên 2.0L kể cả nhập khẩu hay lắp ráp trong nước, theo dự kiến có thể bị nâng một số loại thuế phí để bù đắp cho các khoản thuế, phí đã cắt giảm đối với dòng xe 2.0L nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Vì vậy giá những mẫu xe trên được dự báo sẽ tăng.
Giảm giá xe thu thuế nhiều hơn Các doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang tính toán và lên kế hoạch cho những đổi thay này. Hướng đi của các DN thời gian tới là tập trung vào lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có thuận lợi trong đầu tư phát triển, thu hút công nghiệp hỗ trợ, còn những mẫu nào không có lợi thế sẽ ngừng lại và chuyển sang nhập khẩu. Với những DN không có mẫu xe nào thuộc dòng xe chiến lược, chắc chắn sẽ đóng cửa nhà máy chuyển sang phân phối xe nhập khẩu.
Theo đó, một số mẫu xe có dung tích 2.0L sẽ được đẩy mạnh lắp ráp, và tăng sản xuất phụ tùng linh kiện trong nước, ngược lại những mẫu có sản lương thấp sẽ giảm dần và được thay thế bằng xe nhập khẩu, phục vụ cho những khách hàng có nhiều tiền và không quan tâm nhiều đến giá cả.
Có lo ngại rằng, nếu thực hiện chính sách này các dòng xe chiến lược được ưu đãi lớn sẽ tạo ra phân biệt đối xử, đi ngược lại cam kết khi gia nhập WTO và dễ bị khởi kiện.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thực hiện cơ hội sẽ không còn. Bản thân các nước như Indonesia, Thái Lan đến nay vẫn đưa ra những chính sách ưu đãi cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, tại sao Việt Nam lại không làm?.
Vì thế, chính sách ưu đãi vẫn nên thực hiện nhưng có thời hạn và khoảng 10 năm là hợp lý. Có như vậy mới giữ chân được các nhà đầu tư và tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp ô tô.
Theo các DN, ưu đãi giúp cho giá xe giảm mạnh, kích thích người tiêu dùng sử dụng ô tô sẽ làm cho quy mô thị trường ô tô mở rộng, công nghiệp ô tô sẽ phát triển. Vừa qua chỉ với việc giảm lệ phí trước bạ vừa qua đã giúp cho thị trường ô tô khởi sắc hơn, doanh số bán ra của các hãng xe tăng. Chúng tôi đang chờ đợi sự đổi mới trong chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam. Nếu chính phủ tăng ưu đãi cho sản xuất trong nước chắc chắn chúng tôi đẩy mạnh đầu tư, cho ra đời nhiều mẫu xe mới giá hợp lý hơn, đại diện công ty Trường Hải cho biết.
Việt Nam có dân số đông, dự báo sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ, phổ cập hoá ô tô với sản lượng năm 2020 sẽ đạt 400 ngàn xe/năm, tới 2030 khoảng 2 triệu xe/năm, đặc biệt là ô tô con 9 chỗ trong chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu, vì vậy đây là thị trường lớn.
Nhìn xa hơn đó là về xu thế dịch chuyển sản xuất ô tô từ châu Mỹ và châu Âu sang châu Á. Đây là cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sau 2018, phân chia sản xuất với Thái Lan và Indonesia là hai nước chế tạo tay lái nghịch, chính vì vậy Chính phủ đã quyết tâm phải phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
(Nguồn dantri.com.vn)