Đường sắt Myanmar (MR) đã hoàn thành hơn 2.000km đường sắt mới trong thập kỷ qua và đang tiến tới tăng gấp đôi con số 3.046km đường sắt khổ một mét có từ năm 1968. Nhiều dự án đang thi công hoặc đã có kế hoạch sẽ tăng thêm cho mạng đường 3.600km nữa, đưa tổng số km đường chạy tàu lên 9.500km, chưa kể 713km đường sắt khổ tiêu chuẩn đang được triển khai cùng với Trung Quốc.
Tốc độ phát triển thật đáng khâm phục, nhất là đối với một đất nước nguồn lực thiếu thốn, đất đai khó khăn và bị cấm vận trong chế độ cầm quyền quân sự cho mãi đến năm 2010.
Thêm nhiều vành đai khu vực ngoại vi Yangon Một tuyến vành đai thứ hai đang được hình thành, bao phía ngoài vành đai thứ nhất (Vành đai ĐS Yangon). Tuyến này rẽ ra từ Togyaunggale và lúc đầu chạy tới Dragon University, cách thành phố 16,3km. Một đoạn khác từ Mogyopyit và nối với chính tuyến Yangon – Pray, tạo nên một vành đai dài 84,7km, trong đó chỉ có 33,9km làm mới.
Về phía bắc, một vành đai khác dài 60km nối Bago và Taikkyi, cũng đã có kế hoạch, nhưng chưa định thời gian thi công. Về phía nam Yangon, một tuyến đường sắt dài 13,4km đã được xây dựng để chuyển cảng thành phố xuống khu vực cảng nước sâu ở Philawa, trên tuyến này có một cầu chung đường bộ và đường sắt khánh thành năm 2003.
Miền tây: hành lang nam – bắc và tuyến đông tây Từ thập kỷ qua, tuyến đường đã được kéo dài tới 400km từ Hinthada đến Pakhokku, hình thành một hành lang nam bắc, phục vụ khu vực miền tây của sông Ayeyarwady. Việc thi công bắt đầu từ phía nam và tiến lên phía bắc với tuyến đường mở khai thác từng khu đoạn.
Một dự án lớn khác ở miền tây là việc xây dựng tuyến đường sắt đông – tây, phục vụ cảng Sittwe trên vịnh Bengal. Như nhiều dự án khác, đoạn đầu hoàn thành năm 2004 là đoạn đầu mút dài 19,3km, từ Sittwe – Pyidawtha đến Yechanbyin và kéo dài đến Kyauktaw (86,5km) vào tháng 4/2011. Tuyến đường sắt này qua nhiều hầm và cầu nên phải vài năm nữa mới hoàn thành được.
Vùng cực tây – bắc kéo dài tới biên giới Ấn Độ Dự án dài nhất được hoàn thành trong mấy năm gần đây là 418km từ Chaung-U đến Kalemyo ở phía cực tây – bắc. Rẽ ra từ Chaung-U, tới Pakhokku tháng 12.1993 và Zipyar – Kyaw tháng 4.1997. Cây cầu dài 1.510 m qua sông Chindwin mở khai thác năm 2004, nối với tuyến đi Mandalay. Một đoạn riêng lẻ 165,5km nối Yemietni, Gangaw và Kalemyo ở phía bắc cũng đã mở khai thác từng giai đoạn tháng 7.2004. Cuối cùng tuyến đường đã hoàn thành tháng 1.2007 với việc mở chạy tàu hầm dài 1.840m giữa Kyaw, Mingin và Kalewa.
Giai đoạn hai hoàn thành đoạn kéo dài lên phía bắc 135,7km từ Kalemyu đến Tamu, sát biên giới với Ấn Độ. MR cũng đã công bố kế hoạch một tuyến trực thông dọc bờ phía tây sông Chindwin đến Kalemyu.
Tuyến bắc – nam mới: 763km, 2.235 cầu Tuyến đường sắt cũ phục vụ vùng phía bắc thành phố Myitkyina đã hoàn thành từ năm 1898, nay MR đã khởi công một tuyến bắc – nam khác chạy lên phía cực bắc. Tuyến Myitkyina – Leika dài 763,7km với 78 ga. Về kế hoạch lâu dài, tuyến đường còn có thể kéo dài về phía nam từ Leikha tới Namsang.
Tuyến đường có tới 2.235 cầu. Việc thi công đã bắt đầu trên đoạn phía nam giữa Hsipaw và Leika với cây cầu qua sông Nam Tu đã hoàn thành năm 2010. Đoạn tiếp theo 157,7km đang tiến về phía bắc, trên đoạn này còn có một đường nhánh 26,8km hoàn thành năm 2010.
Lashio hiện nay là điểm đầu của tuyến 70 và MR đã đề cập tới việc kéo dài tới Muse gần biên giới với Trung Quốc dài 233,3km.
Tuyến chính đông – tây xuyên qua miền trung đất nước là tuyến 60 đang được thi công, đoạn 33km có khó khăn do phải vượt núi Shwenyaung cao 894m trên mặt nước biển đã mở khai thác năm 1997. Do dốc cao, đường cong nhỏ tàu chạy chậm nên chỉ dùng cho tàu hàng, tàu khách phải trung chuyển bằng ô tô qua đoạn núi cao.
Đoạn tiếp theo từ Taunggyi đến Namsang được hoàn thành từng giai đoạn. Đoạn tuyến cuối cùng 44,4km từ Ponchaung đến Kaungsai hoàn thành tháng 2-2006.
Dự án quốc tế quan trọng: 1.215km nối với Côn Minh,Trung Quốc
Mặc dù hiện nay Myanmar chưa chính thức có đường sắt giao tiếp với các nước khác, nhiều dự án đường sắt biên giới đã có tầm nhìn tới 50 năm.
Về phía tây – bắc, tuyến nối với Ấn Độ cũng đã được nghiên cứu. Về phía đông, mạng Xuyên Á cũng đã được đề cập. Về phía nam, Thái Lan đề nghị nâng cấp nhánh tuyến cũ từ năm 1907 và kéo dài qua biên giới tới Dawai nơi có cảng nước sâu và khu kinh tế phát triển. Dự án quốc tế có nhiều khả năng hoàn thành trước thời hạn là tuyến ĐS khổ tiêu chuẩn nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với cảng biển trên Ấn Độ Dương. Tuyến đường dài 1.215km từ Côn Minh đến biển. Lễ khởi công đã được tiền hành ngày 30/5/2011 trên đất Trung Quốc. Tàu sẽ chạy với tốc độ 140km/h, 75% tuyến đường là hầm và đường đào.
(Nguồn baoduongsat.vn)