Bhutan, quốc gia nhỏ bé ở Nam Á nổi tiếng thanh bình, người dân có chỉ số cảm nhận hạnh phúc cao. Quốc gia với những dãy núi phủ tuyết, những cánh rừng xanh, khí hậu trong lành, vẫn đang tích cực khai thác điện gió, hầm biogas, sử dụng xe đạp, xe buýt điện để đất nước ngày càng xanh hơn cũng như hưởng ứng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hai tua-bin gió đầu tiên được khai trương tại làng Rubesa, dự kiến sẽ cung cấp đủ điện cho 300 hộ dân trong làng
Nằm trên dãy Himalaya, 60% diện tích đất nước là những nơi hoang sơ, nơi con người chưa từng tới, song Butan vẫn rất coi trọng gìn giữ môi trường, lựa chọn năng lượng tái tạo hơn là nhiên liệu hóa thạch.
Mới đây, hai tua-bin gió đầu tiên được khai trương tại làng Rubesa, cách thủ đô vài giờ đi xe, dự kiến sẽ tạo ra 600kWh, đủ cung cấp cho 300 hộ dân trong làng. Đây là minh chứng mới nhất cho thấy, chính phủ Bhutan tích cực khai thác các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng. Nếu dự án hai tua-bin gió thành công, Bhutan sẽ lập thêm 24 trang trại gió mới nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Cục Năng lượng tái tạo, Bộ Môi trường Butan cũng dự kiến lắp đặt những tấm pin mặt trời và cung cấp 13.500 bếp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời cùng 2.800 hầm biogas cho các hộ gia đình tại 20 quận huyện từ nay đến cuối năm.
Không chỉ hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo và hưởng ứng thỏa thuận khí hậu Paris, Bhutan bắt đầu thực thi các cam kết của mình, đó là đưa thủ đô Thimphu thành thành phố thân thiện với xe đạp. Tạo điều kiện cho người dân đi xe đạp, chính quyền xây dựng các làn xe riêng dành cho xe đạp, cho người đi bộ cũng như hàng năm tổ chức các cuộc đua xe đạp. Xe hơi chạy bằng điện cũng đã được đưa vào Butan cách đây hai năm, cùng các trạm sạc điện được người dân hưởng ứng.
Bhutan cũng đang đàm đàm phán với Ashok Leyland, hãng sản xuất ôtô thương mại hàng đầu của Ấn Độ để thử nghiệm xe buýt điện, thay thế xe chạy bằng xăng dầu trên đường phố của Bhutan.
Nhờ chiến dịch trồng cây xanh, Bhutan luôn duy trì độ che phủ rừng lên tới 60% diện tích lãnh thổ. Tại các cuộc đàm phán về khí hậu, Bhutan đã gây ấn tượng với thế giới khi tuyên bố sẽ đảm bảo lượng phát thải khí thải nhà kính không vượt quá khả năng hấp thu của những cánh rừng. Những nỗ lực phủ xanh đất rừng, giảm tình trạng hồ băng tan chảy đã giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng ven đồi núi trước các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như tránh nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Trong chiến lược phát triển kinh tế từ 2013 đến 2018, Bhutan theo đuổi mô hình kinh tế theo hướng ít carbon. Trong đó, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân (vốn chiếm 70% dân số) sử dụng đất bền vững, giảm khí thải trong chăn nuôi và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.
Trước các nỗ lực giảm khí thải trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, Cao ủy Liên minh châu Âu về khí hậu và năng lượng, ông Arias Canete đánh giá cao Bhutan: “Chúng ta cần công nhận những nỗ lực cùng các mục tiêu đầy tham vọng của Bhutan trong chính sách chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi ghi nhận, Bhutan là quốc gia phát thải ít khí nhà kính nhưng đã phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, chính phủ Bhutan tuyên bố các cam kết giảm khí thải và phát triển bền vững của nước này cần có sự trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cũng như tài chính của quốc tế. Đáp ứng yêu cầu này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Na Uy đã nhất trí đưa vào Bhutan một dự án trị giá sáu triệu USD để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.
(Nguồn: tietkiemnangluong.vn)