Mặc dù ít được nhắc đến hơn so với tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng tuần dương hạm nguyên tử cũng là một bộ phận sức mạnh quan trọng của các cường quốc hải quân.
Quý vị đang theo dõi loạt tin bài về “Tuần dương hạm“, để xem nhiều tin bài hơn về chủ đề này, hãy nhấn vào đây.
Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov
Năm 1980, Hải quân Liên Xô tiếp nhận tuần dương hạm tên lửa đầu tiên thuộc lớp Kirov (proejct 1144 Orlan). Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất, nặng nhất thế giới vào thời điểm đó, kích cỡ tương đương tàu sân bay hạng nhẹ. Ngày nay, Kirov vẫn giữ “ngôi vua” chiến hạm “khủng” nhất thế giới về kích cỡ và vũ khí trang bị. Có tất cả 4 chiếc lớp này được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Baltic trong giai đoạn từ 1974 – 1986 gồm: Kirov (đổi tên thành Đô đốc Ushakov), Frunze (Đổi tên thành Đô đốc Lazarev), Kalinin (Đổi tên thành Đô đốc Nakhimov) và Yury Andropov (Đổi tên thành Pyotr Velikiy). Trong 4 chiếc hiện chỉ có Pyotr Velikiy là đang hoạt động còn 3 chiếc kia đang trong giai đoạn khôi phục, sửa chữa.
Trong hơn 20 năm, nhà máy đóng tàu Baltic đã đóng được 4 tàu tuần dương Kirov
Kirov có chiều dài 252 m; rộng 28,5 m; lượng giãn nước đầy tải 28.000 tấn. Con tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân KN-3 cho phép đạt tầm hoạt động không giới hạn với tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ. Tàu được vận hành bởi đội ngũ thủy thủ đoàn 710 người.
Được gọi là “Sát thủ tàu sân bay” Kirov mang theo kho vũ khí khủng khiếp gồm 1 pháo hạm AK-130 2 nòng cỡ 130 mm (tàu Nguyên soái Ushakov trang bị 2 pháo AK-100 thay cho AK-130), 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit, 96 tên lửa phòng không tầm xa của hệ thống S-300F, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-MA hoặc 192 tên lửa 9K311 Tor.
Ngoài ra, tuần dương hạm lớp Kirov còn được trang bị 6 hệ thống CIWS Kashtan (trên 2 tàu Pyotr Velikiy và Đô đốc Nakhimov) hoặc 8 hệ thống CIWS AK-630 (trên 2 tàu Nguyên soái Ushakov và Đô đốc Lazarev), 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm cùng 2 bệ rocket phóng chống ngầm RBU-6000, tàu có sàn đáp và hầm chứa trực thăng săn ngầm Ka-27 ở đuôi (nhà chứa trực thăng ở bên dưới sàn đáp trực thăng).
Ngày nay, Kirov vẫn giữ “ngôi vua” chiến hạm “khủng” nhất thế giới về kích cỡ và vũ khí trang bị.
Tuần dương hạm lớp Kirov trang bị hệ thống vũ khí mạnh nhất thế giới đủ sức tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên biển, trên không từ tầm gần tới tầm xa.
Các hệ thống tên lửa chống tàu, phòng không đều được bố trí trong hệ thống ống phóng thẳng đứng đặt ở boong trước tàu. Trong ảnh là hệ thống ống phóng thẳng đứng chứa đạn tên lửa hành trình chống tàu P-700 Granit (20 quả), 96 tên lửa đối không tầm xa S-300F, 128 tên lửa đối không tầm trung 3K95 Kinzhal.
Tên lửa hành trình tầm xa P-700 Granit có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 600km, mang đầu đạn thuốc nổ thường 750kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton.
Tên lửa hành trình chống tàu tầm xa tốc độ vượt âm P-700 Granit được xem là một trong những “sát thủ diệt tàu sân bay” mạnh nhất của Nga. Trong ảnh là tàu tuần dương Kirov phóng tên lửa P-700 Granit.
Tàu tuần dương Kirov phóng tên lửa đối không tầm trung 3K95 Kinzhal, có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 45km.
Hệ thống pháo – tên lửa phòng không kết hợp CADS-N-1 Kashtan (6 bệ) dùng để tấn công tiêu diệt mục tiêu tầm gần. Đảm nhiệm lưới phòng thủ cuối cùng trên tàu Kirov còn có hệ thống tên lửa OSA-MA (44 đạn) và 8 tháp pháo AK-630.
Boong đuôi tàu còn trang bị sân đỗ trực thăng và nhà chứa đáp ứng yêu cầu hoạt động của 3 chiếc trực thăng săn ngầm Kamov Ka-27/28.
Nhắc đến vũ khí săn ngầm, Kirov có thể coi là “cơn ác mộng” với bất kỳ hạm đội tàu ngầm nào trên thế giới. Trên tàu Kirov trang bị: 1 bệ rocket săn ngầm RBU-1000 cỡ 305mm, 2 bệ RBU-12000 cỡ 254mm, 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm (bắn ngư lôi Type 53 hoặc tên lửa chống ngầm RPK-2).
Nhằm khôi phục sức mạnh hải quân đã bị suy giảm nhiều so với Mỹ, nước Nga đã lên kế hoạch tái trang bị tuần dương hạm Kirov mang tên Admiral Nakhimov cho hải quân.
Dự kiến, từ năm 2017 Hải quân Nga sẽ chính thức có trong biên chế 2 tuần dương hạm “khủng” nhất thế giới lớp Kirov 1144 Orlan.
Tuần dương hạm hạt nhân lớp Long Beach (CGN-9)
Tuần dương hạm USS Long Beach (CGN-9) của Hải quân Mỹ được ghi nhận là tàu chiến mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
USS Long Beach (CGN-9) là chiếc tuần dương hạm hạt nhân duy nhất thuộc lớp, cũng đồng thời là tuần dương hạm hạt nhân đầu tiên của Mỹ và thế giới. Long Beach là chiếc cuối cùng của Hải quân Mỹ được thiết kế như một tuần dương hạm đúng nghĩa còn về sau các tàu tuần dương khác đều được thiết kế lại dựa trên khung thân của tàu khu trục.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Dài 219,84 m; rộng 22,33 m; mớn nước 9,4 m; lượng giãn nước đầy tải 15.025 tấn. Hệ thống động lực của tàu gồm 2 động cơ hạt nhân C1W Westinghouse công suất 80.000 SHP cho tốc độ tối đa 32,5 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn; thủy thủ đoàn 1.100 người.
Hệ thống điện tử của Long Beach khá đồ sộ gồm: radar trinh sát bề mặt AN/SPS-10, radar tìm kiếm AN/SPS-12, radar theo dõi mục tiêu AN/SPS-33, radar trinh sát trên không AN/SPS-48 3D và AN/SPS-49 2D, 2 radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-49 của tên lửa RIM-8 Talos, 4 radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-55 của tên lửa RIM-2 Terrier, hệ thống định vị thủy âm AN/SQS-23 và hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32.
Vũ khí trang bị của tàu gồm 1 ray phóng đôi để phóng tên lửa hạm đối không RIM-8 Talos; 2 ray phóng đôi của tên lửa RIM-2 Terrier; 2 hải pháo 127 mm và 6 bệ phóng rocket chống ngầm RUR-5 ASROC; về sau Long Beach còn được bổ sung thêm 8 tên lửa đối hạm RGM-84 Harpoon.
Tuần dương hạm hạt nhân lớp Truxtun (CGN-35)
Tuần dương hạm hạt nhân mang tên lửa điều khiển lớp Truxtun (CGN-35) là một phân lớp của tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển thông thường lớp Belknap (CG-26). USS Truxtun (CGN-35) là chiếc đầu tiên và cũng là chiếc duy nhất của lớp tàu này, được hạ thủy ngày 17/6/1963, chính thức vào biên chế 19/12/1964 và bị loại biên ngày 11/9/1995.
Tàu có kích thước: Dài 172 m; rộng 18 m; mớn nước 9,3 m; lượng giãn nước đầy tải 8.659 tấn. Hệ thống động lực gồm 2 lò phản ứng hạt nhân áp lực nước công suất 70.000 SHP cho tốc độ tối đa 31 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn; thủy thủ đoàn 492 người.
Hệ thống điện tử của CGN-35 gồm radar tìm kiếm bề mặt AN/SPS-10, radar trinh sát mục tiêu trên không AN/SPS-40; radar cảnh giới 3D AN/SPS-48; radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG 55 và sonar AN/SQS-26. Vũ khí gồm có 1 pháo 127 mm Mk-42; 1 ray phóng kép loại Mk 10 Mod 8 để phóng tên lửa đối không Standard ER và tên lửa chống ngầm ASROC, có tất cả 60 tên lửa loại này nằm sẵn trên giá nạp dạng trống; 4 ống phóng ngư lôi Mk 32; 8 tên lửa đối hạm Harpoon và 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx.
Tuần dương hạm hạt nhân lớp California (CGN-36)
Tuần dương hạm hạt nhân mang tên lửa điều khiển lớp California (CGN-36) là thế hệ sau của CGN-35 Truxtun. Có tất cả 2 chiếc loại này được đóng trong giai đoạn từ 1970 – 1974 gồm USS California (CGN-36) và USS South Carolina (CGN-37). CGN-36 được hạ thủy ngày 23/1/1970, chính thức đi vào hoạt động 16/2/1974 và loại biên ngày 9/7/1999. Trong khi đó chị em của nó chiếc CGN-37 South Carolina hạ thủy 1/12/1970, vào biên chế 25/1/1975 và ngừng hoạt động ngày 30/7/1999.
Các tuần dương hạm hạt nhân lớp California có kích thước: Dài 179 m; rộng 19 m; mớn nước 9,6 m; lượng giãn nước đầy tải 10.800 tấn. Động lực của tàu gồm 2 lò phản ứng hạt nhân General Electric D2G công suất 60.000 SHP (45.000 kW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn; thủy thủ đoàn 584 người.
Hệ thống điện tử của CGN-36 gồm radar cảnh giới trên không 3D AN/SPS-48E và AN/SPS-49 2D; radar kiểm soát bề mặt AN/SPS-55; radar kiểm soát hỏa lực tên lửa AN/SPG-51, radar kiểm soát hỏa lực pháo Mk 48 cùng AN/SPG-60; sonar AN/SQS-26; ngoài ra tàu còn được bổ trợ thêm 1 radar đa năng vừa trinh sát vừa kiểm soát hỏa lực AN/SPQ-9.
Vũ khí của CGN-36 gồm có 1 pháo 127 mm Mk 45; 1 ray phóng loại Mk 13 để phóng tên lửa RIM-66D Standard; 2 bệ phóng Mk 141 với 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon; 1 bệ phóng tên lửa chống ngầm ASROC; 6 ống phóng ngư lôi Mk 46 và 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx.
Tuần dương hạm hạt nhân lớp Virginia (CGN-38)
Virginia (CGN-38) là lớp tuần dương hạm hạt nhân cuối cùng của Hải quân Mỹ gồm tất cả 4 tàu được đóng trong giai đoạn từ 1972 – 1980 và hoạt động từ 1976 – 1998. Theo kế hoạch sẽ có 11 tàu lớp này được đóng nhưng thực tế chỉ được 4 chiếc gồm USS Virginia (CGN-38); USS Texas (CGN-39); USS Mississippi (CGN-40) và USS Arkansas (CGN-41).
Cả 4 tàu tuần dương lớp Virginia có thời hạn phục vụ chỉ từ 15,3 đến 19 năm, đây là một khoảng thời gian ngắn kỷ lục đối với những chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, lý do chính là chi phí hoạt động của chúng quá cao. Theo thời giá năm 1996, Virginia mất 40 triệu USD chi phí hoạt động 1 năm trong khi đó Ticonderoga là 28 triệu còn Arleigh Burke chỉ là 20 triệu USD. Thêm vào đó việc dùng ray phóng Mk 13 làm tàu không có tính đa năng như các chiến hạm thế hệ sau sử dụng bệ phóng thẳng đứng Mk 41.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tuần dương hạm hạt nhân lớp Virginia: Dài 179 m; rộng 19 m; mớn nước 10 m; lượng giãn nước đầy tải 11.666 tấn. Động lực của tàu gồm 2 lò phản ứng hạt nhân General Electric D2G công suất 60.000 SHP (45.000 kW) tương tự như CGN-36 California cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn; thủy thủ đoàn 579 người.
Hệ thống điện tử của CGN-38 gồm radar cảnh giới trên không 3D AN/SPS-48E và AN/SPS-49 2D; radar kiểm soát bề mặt AN/SPS-55; radar kiểm soát hỏa lực tên lửa AN/SPG 51, radar kiểm soát hỏa lực pháo AN/SPQ-9A cùng AN/SPG-60; sonar AN/SQS-26; Hệ thống tác chiến điện tử AN/SQL-32, AN/SQL-25; Mk-36 SRBOC.
Vũ khí gồm có 2 pháo 127 mm Mk 45; 2 ray phóng loại Mk 26 với 68 tên lửa RIM-66 và RUR-5 ASROC; 2 bệ phóng Mk 141 với 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon; 8 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk; 4 ống phóng ngư lôi Mk 46 và 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx.
(Nguồn: baogiaothong.vn)