Việc lựa chọn máy hàn hồ quang thường dựa theo chiều dày của vật hàn (hay tương đương là đường kính que hàn sẽ sử dụng). Với máy hàn hồ quang có cường độ dòng hàn từ 300 ÷ 350A và chu kỳ tải 60% thì có thể dùng được cho các loại que hàn có đường kính 1.6 ÷ 6.3 mm. Nhưng tùy theo những yêu cầu riêng của công việc mà ta có thể chọn loại máy hàn phù hợp hơn.
Một xưởng hàn chỉ hàn que 5 ÷ 6.3 mm thì nên dùng nguồn hàn có cường độ dòng từ 400 ÷ 450A, trong khi đó, nếu công việc chỉ yêu cầu hàn những tấm mỏng thì chỉ cần chọn máy hàn 200 ÷ 250A vì đường kính tối đa của que hàn trong trường hợp này chỉ là 3.2 ÷ 4 mm.
Nguồn hàn một chiều (DC) và xoay chiều (AC) đều có thể sử dụng cho hàn hồ quang tay, tuy nhiên chỉ có nguồn một chiều là thích hợp với hầu hết kim loại và mọi loại que hàn. Vì vậy việc chọn nguồn hàn cần dựa vào vật liệu mà bạn sẽ hàn là gì? Thông thường nhà sản xuất que hàn sẽ khuyến cáo bạn nên dùng loại dòng hàn nào cho que hàn của họ (thông tin này được ghi trên hộp đựng que hàn). Việc lựa chọn nguồn một chiều hay xoay chiều cần cân nhắc các yếu tố sau:
– Mọi loại que hàn đều dùng được trên máy hàn một chiều, trong khi đó, khi hàn trên máy xoay chiều, một số loại que hàn kim loại màu và que hàn thép loại bazo cho hồ quang không ổn định. Que hàn dùng trên máy xoay chiều phải có chứa chất giúp ổn định hồ quang trong vỏ bọc.
– Thông thường máy hàn một chiều sẽ dễ hàn hơn máy xoay chiều (chỉ có một vài ngoại lệ).
– Trường hợp khu vực cần hàn đặt cách xa máy hàn thì nên dùng máy hàn xoay chiều và hạn chế cuộn dây cáp hàn.
– Khi hàn các tấm mỏng nên chọn máy hàn một chiều và mắc kìm hàn vào cực âm của máy để giảm thiểu hiện tượng cháy thủng tấm hàn.
(Nguồn: congnghehan.vn)