Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Nam California (Mỹ) vừa trình làng máy in 3D kích thước lớn, có thể xây một ngôi nhà trong vòng 24 giờ.
Mô hình máy in 3D xây nhà
Business Insider dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Behrokh Khoshnevis cho biết, máy in 3D khổng lồ được trang bị dụng cụ đúc bê tông. Dựa trên thiết kế do máy tính soạn thảo, máy in có thể tạo ra cả một ngôi nhà. Thiết bị trên dựa vào công nghệ được gọi là Contour Crafting, được dự đoán là có khả năng thay đổi hoàn toàn ngành xây dựng thế giới. Để vận hành, các chuyên gia lắp đường ray cho máy in hoạt động và bơm bê tông để tượng hình cấu trúc bên ngoài của ngôi nhà theo đúng thiết kế. Một khi quá trình này hoàn tất, con người tiếp tục lắp ráp hoàn chỉnh ngôi nhà, chẳng hạn như lắp cửa, trang trí nội thất…
In 3D (tiếng Anh: Three Dimensional Printing) hay còn gọi là Công nghệ sản xuất đắp dần, là một chuỗi kết hợp các công đoạn khác nhau để tạo ra một vật thể ba chiều. Trong In 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Các đối tượng này có thể có hình dạng bất kỳ, và được tạo ra từ một mô hình 3D hoặc các nguồn dữ liệu điện tử khác. Máy In 3D thật ra là một loại robot công nghiệp. Nó có nhiều công nghệ khác nhau, như in li-tô lập thể (STL) hay mô hình hoá lắng đọng nóng chảy (FDM). Do đó, không giống một quy trình gia công loại bỏ vật liệu thông thường, In 3D sản xuất đắp dần một đối tượng ba chiều từ mô hình thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD) hoặc là các tập tin AMF, thường bằng cách thêm vật liệu theo từng lớp.
Thuật ngữ “In 3D” có ý nghĩa liên quan đến quá trình tích lũy một cách tuần tự các vật liệu kết dính trên bàn in bằng đầu máy in phun. Gần đây, ý nghĩa của thuật ngữ này đã được mở rộng để bao gồm đa dạng hơn các kỹ thuật như các quy trình dựa trên hoạt động phun và thiêu kết. Tiêu chuẩn kỹ thuật thường sử dụng hạn sản xuất đắp dần cho nghĩa rộng hơn này.
(Nguồn: khoahoc.com.vn/ wikipedia)