Năm 2013, là một năm khó khăn đối với ngành công nghiệp cơ khí. Không chỉ vốn mà đầu ra của các sản phẩm thuộc dòng cơ khí nặng, cơ khí trọng điểm – thuộc hàng ưu tiên trong chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí đều rất khó khăn.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011 – 2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Với 54 nhà máy nhiệt điện chạy than và rất nhiều các dự án nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng, điện hạt nhân và năng lượng mới và tái tạo (như điện gió, mặt trời..) sẽ phải xây dựng trong giai đoạn từ nay đến 2020 trong đó, cần ít nhất khoản tiền khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên, không chỉ chậm tiến độ do thiếu vốn mà nhiều dự án đến nay còn chưa rõ nguồn vốn, chưa có nhà tài trợ vốn nên chưa biết khi nào mới động thổ, triển khai được. Vì vậy, theo chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, khi các dự án nguồn và lưới điện khẳng định được nguồn vốn sẽ là cơ sở để triển khai thành công các bước đầu tư, bảo đảm đủ nguồn điện trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn 2020 – khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Không chỉ vậy, mỗi nhà máy điện đều là nguồn lực để tạo ra việc làm và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Mỗi dự án năng lượng được triển khai là cơ hội thực sự của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam. Thực tế này cũng đã được phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định ngay tại dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (tổng công suất 1.200MW) vừa được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ký kết hợp đồng EPC với tổ hợp nhà thầu là Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty tập đoàn Thái Bình Dương – do được hai ngân hàng của Hàn Quốc và Nhật Bản tài trợ 85% vốn, cùng với 15% vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến khởi công trong quý 1.2014 này – đã tạo cơ hội tiêu thụ các sản phẩm cơ khí của Công ty công nghiệp nặng Doosan tại Việt Nam.
Theo chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, cụ thể với một dự án nhiệt điện trị giá 1 tỷ USD, có thể chúng ta chưa sản xuất được các thiết bị chính như tuabin, lò hơi, máy phát… nhưng có thể tách ra và làm được tới 30% khối lượng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của mỗi dự án này, và đây mới thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam trên thị trường nội địa. Giới doanh nghiệp trong nước cần suy nghĩ và đề xuất với chính phủ một cơ chế khác cho việc đầu tư vào nhà máy nhiệt điện. Theo ông Thụ, một thị trường với gần 70 tỷ USD nếu ta chỉ làm 20 – 30% thôi thì Việt Nam đã có được 20 tỷ USD của ngành sản xuất cơ khí trong 10 năm. Vì thế đây chính là cơ hội để có thể phát triển được về thiết kế, chế tạo, về lắp đặt của ngành cơ khí…
Vì thế, theo nhiều chuyên gia, tìm được nguồn vốn cho các dự án năng lượng chính là hệ quả hết sức to lớn cho ngành công nghiệp cơ khí. Và giải quyết vấn đề vốn, sản phẩm và việc làm cho ngành cơ khí chính là phải làm sao để cho ngành điện có nguồn vốn để phát triển. Đồng thời với đó là phải tạo ra được cơ chế đặc thù cho các sản phẩm cơ khí trong nước, tránh kích cầu ngược từ các dự án tổng thầu EPC 100% vốn nước ngoài.
(Nguồn: cokhivietnam.vn)