Các nhà khoa học ở Argonne National Laboratory trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ vừa tạo ra được loại vật liệu mới, trên đó mọc đầy những sợi lông siêu mảnh, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau.
Bằng cách thay đổi các thông số của quá trình nuôi cấy vật liệu, các nhà khoa học đã thu được vật liệu có các ”cánh rừng lông siêu nhỏ” với mật độ khác nhau, cũng như có chiều cao và độ dày của các sợi lông từ 1 đến 100 micromet.
Việc nuôi cấy được bề mặt “lông lá” đó bằng cách dùng vật liệu polime, giống như nhựa epoxy, trộn với chất làm cứng và chất dung môi đặc biệt (chất hóa dẻo). Và điều kỳ diệu đã xảy ra, khi đưa dòng điện cao tần xoay chiều chạy qua vật liệu đó làm cho những sợi lông chưa kịp cứng vươn lên trên.
Khi thay đổi điện thế, tần số và dạng xung, các nhà khoa học đã tạo ra những hình dạng khác nhau của vật liệu với các sợi xơ lông có thể mảnh, dẻo và lượn sóng giống như sợi vải len hoặc có thể tạo thành các sợi to hơn, thẳng và bền chắc hơn.
Sáng chế này giúp tạo ra vật liệu có bề mặt lớn, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như để sản xuất vật liệu không thấm nước, điện cực của các thiết bị ngưng tụ và pin ắc quy công suất lớn.
(Nguồn: khoahoc.com.vn)