Nguồn năng lượng khổng lồ trên biển Việt Nam

Tháng Chín 01 10:30 2013

Các nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt và trở nên khan hiếm. Các nhà khoa học đang trong quá trình nghiên cứu về những nguồn năng lượng mới, trong đó, dự tính toàn bộ năng lượng biển ước khoảng 152,8 tỷ kW. Loại năng lượng này lớn gấp hàng trăm lần năng lượng mà toàn bộ động thực vật cần để sinh trưởng trên trái đất.

Nang luong bien_01

Sóng biển có thể mang đến nguồn năng lượng vô tận

Việt Nam có diện tích biển khoảng 1 triệu km2, trải dài 3.260 km dọc theo chiều dài đất nước là một yếu tố thuận lợi để phát triển năng lượng từ biển. Tiến sĩ Trần Văn Bình, một trí thức kiều bào có 12 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt quốc gia DEMINEX/VEBA OIL (Đức) dẫn một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá: Việt Nam có thể khai thác được nguồn năng lượng sạch từ biển khơi, nhiều gấp hơn 200 lần sản lượng điện nhà máy thủy điện Sơn La đang khai thác và gấp 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020.

Các nguồn năng lượng có thể khai thác từ nước biển

1. Nguồn năng lượng từ sóng biển

Theo Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC), Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ sóng biển. Theo tính toán, nếu sóng có độ cao 1m, ở độ dài khoảng 1,8 km bờ biển, thì có thể tạo ra một nguồn năng lượng bằng 35.000 mã lực.

2. Nguồn năng lượng từ thủy triều

Năng lượng thủy triều của toàn thế giới theo các nhà khoa học ước chừng khoảng 3 tỷ kW. Nguyên lý phát điện thủy triều tương tự như nguyên lý phát điện thủy lực, tức là lợi dụng sự chênh lệch mức nước triều lên xuống để làm quay động cơ và máy phát điện.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng nguồn năng lượng từ biển: Năm 1966, tại Pháp đã xây dựng một nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới có quy mô công nghiệp với công suất 240 MW, đây là một trong những nhà máy điện thủy triều lớn nhất trên thế giới; Tại Canada đã vận hành một nhà máy 20 MW từ năm 1984, sản xuất 30 triệu kW điện hàng năm; Trung Quốc cũng là một nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng sạch, hiện nay Trung Quốc có 7 nhà máy điện thủy triều đang vận hành với tổng công suất 11 MW; Gần đây, Hàn Quốc rất chú trọng khai thác sử dụng năng lượng thủy triều: Một nhà máy điện thủy triều Shiwa có công suất 254 MW được hoàn thành năm 2010, còn tại thành phố Incheon, từ năm 2007 đã xây dựng một nhà máy có công suất 812 MW lớn nhất thế giới, với 32 tổ máy và sẽ đưa vào vận hành năm 2015

3. Nguồn năng lượng từ dòng chảy

Các dòng chảy lớn trên biển thường chảy theo một hướng tương đối ổn định và có lưu lượng lớn, do đó ẩn chứa một nguồn năng lượng rất lớn. Theo tính toán của các nhà khoa học, tổng năng lượng tiềm năng của dòng chảy biển và đại dương lên đến 5 tỷ kW.

4. Nguồn năng lượng từ sự chênh lệch độ mặn

Ở những khu vực có sự chênh lệch độ mặn lớn, đặc biệt như vùng cửa sông đổ ra biển, sự chênh lệch độ mặn này có thể tạo ra một nguồn năng lượng mới mà hiện nay con người chưa khai thác.

Công ty Statkraft đã chứng minh khái niệm tại nhà máy đầu tiên khai trương tháng 11/2009 ở Tofte, Na Uy, dọc theo Vịnh Oslo. Dựa vào báo cáo của các nhà nghiên cứu trường đại học Yale Menachem Elimelech và Ngai Yin Yip trên tờ tạp chí Khoa học và Công nghệ ACS, những trạm phát điện mới này có thể cung cấp điện cho hơn 1 tỷ người bằng cách khai thác 10% nguồn năng lượng này.

5. Nguồn năng lượng từ sự chênh lệch nhiệt độ nước biển

Nhiệt độ lớp bề mặt và lớp sâu ở biển nhiệt đới và cận nhiệt đới chênh lệch nhau có thể tới 250 độ C. Đây là nguồn năng lượng cực kỳ to lớn mà con người muốn khai thác sử dụng. Theo các nhà khoa học thì tiềm năng của loại năng lượng này có thể khai thác ước tính đến 50 tỷ kW.

(Nguồn cpc.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin