Công nghiệp hỗ trợ là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nền công nghiệp của mỗi quốc gia. Phát triển công nghiệp hỗ trợ càng trở nên quan trọng đối với các nước đang trong quá trình “công nghiệp hóa” như Việt Nam.
Vai trò của thị trường Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chiến lược phù hợp khi đất nước vừa mở cửa, cần vốn đầu tư và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác cho thấy, nếu không quan tâm thúc đẩy mối liên kết giữa các công ty FDI và các nhà cung ứng nội địa, công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển và đến lượt nó sẽ không thể làm nền tảng cho những dự án đầu tư mới có trình độ công nghệ cao hơn.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần xác định những yếu tố ảnh hưởng đến ngành này. Tro6ng những yếu tố đó, cần phải lựa chọn ra một (hoặc một vài) yếu tố cơ bản nhất, là điều kiện không thể thiếu nếu muốn thành công. Các yếu tố ảnh hưởng đến công nghiệp hỗ trợ gồm: thị trường đủ lớn, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cơ chế chính sách phù hợp và ổn định, liên kết thông tin hiệu quả giữa các nhà lắp ráp và nhà cung cấp, các tiêu chuẩn công nghiệp, tiêu chuẩn an toàn ngang tầm khu vực và nguyên vật liệu sẵn có. Trong đó, thị trường là yếu tố tiên quyết, hiểu theo nghĩa nếu không có thị trường đủ lớn và chín muồi, mọi cố gắng phát triển các yếu tố khác sẽ không đủ để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), CNHT chỉ phát triển khi công nghiệp sản xuất lắp ráp đã đạt đến một quy mô nhất định và có sự ổn định nhất định về năng lực cạnh tranh, thương hiệu, thị phần. Điều này có thể thấy cả trong lý luận lẫn thực tiễn.
Nghiên cứu chế tạo chip cảm biến sinh học tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Điểm lại những nền công nghiệp hỗ trợ thành công ở các nước đều thấy vai trò của thị trường lắp ráp như là đầu ra bền vững cho các nhà cung cấp linh phụ kiện. Có thể nói, lắp ráp xe máy là ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam (khoảng 70%) vì Việt Nam có thị trường xe máy khổng lồ. Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường lắp ráp còn cần phải vượt qua một ngưỡng tới hạn nhất định phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Đặc trưng của ngành sản xuất linh phụ kiện là cần kỹ thuật cao, máy móc hiện đại và đắt tiền. Vì máy móc không thể chia nhỏ được, việc khai thác hiệu quả hiệu suất của máy móc, hay quy mô của đơn đặt hàng là yếu tố quyết định đến giá thành của sản phẩm và sức cạnh tranh của công ty sản xuất linh kiện.
Theo hệ sinh thái kinh doanh Hiện nay, có hai quan điểm cơ bản trong việc hình thành và phát triển có hiệu quả các chuỗi cung ứng, đó là quan điểm về cụm công nghiệp và hệ sinh thái kinh doanh. Trong đó hệ sinh thái kinh doanh là hệ thống mở rộng gồm các nhà cung cấp, nhà sản xuất, hệ thống tài chính, hiệp hội, chính phủ, các tổ chức xã hội và chính các khách hàng. Trong mỗi hệ sinh thái kinh doanh, các cá thể có mối liên hệ song hành, bao gồm cạnh tranh và hợp tác. Đứng trên quan điểm của hệ sinh thái kinh doanh, có thể thấy chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp là khai thác trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp chủ chốt, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ đóng vai trò khuyến khích bằng hành lang pháp lý và những cơ chế chính sách phù hợp, nhưng cần nhận thức được rằng sự đồng hành một cách tích cực của các doanh nghiệp chủ chốt mới là yếu tố cơ bản cho sự thành công. Nói cách khác, chính sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp chủ chốt mới đảm bảo cho các nhà cung ứng một cam kết thị trường đủ lớn và ổn định để có thể mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đây cũng là cách làm của các nước có nền công nghiệp hỗ trợ vững mạnh như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore…
Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) nhận thấy quan điểm về hệ sinh thái kinh doanh là phù hợp cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Với đặc thù thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia có thị trường rộng lớn trên thế giới như Intel, Jabil, Sonion, Nidec…, đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động, SHTP là nơi lý tưởng để thí điểm các chính sách và quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Cụ thể, SHTP đang triển khai các bước sau đây đối với công nghiệp hỗ trợ: xác định các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều tiềm năng, trong đó thị trường là tiêu chí hàng đầu; ưu tiên các lĩnh vực có sẵn thị trường trong nước; làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp chủ chốt trong hệ sinh thái kinh doanh đã xác định; khuyến khích các doanh nghiệp này tích cực, chủ động dẫn dắt việc hình thành chuỗi cung ứng nội địa bằng các cơ chế chính sách sẵn có của quốc gia hoặc của SHTP; lập cơ sở dữ liệu, làm cầu nối về thông tin giữa các nhà sản xuất, lắp ráp và nhà cung ứng; phối hợp với các cơ sở đào tạo, dựa trên nhu cầu thu thập được lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho công nghiệp hỗ trợ; đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách, nguyên vật liệu, các tiêu chuẩn công nghiệp và tiêu chuẩn an toàn nhằm cải thiện hơn nữa môi trường phát triển công nghiệp hỗ trợ.
(Nguồn: sggp.org.vn)