Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu rà soát lại các nhà máy để đưa ra công nghệ phù hợp, đảm bảo việc xây dựng các nhà máy có tính khả thi, tránh đầu tư tràn lan.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra nhà máy xử lý chất thải rắn ở Thái Nguyên
Chiều 24/3, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp kiểm điểm lại công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chất thải rắn, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp, khắc phục tình trạng vẫn còn bức bách về rác thải hiện nay.
Theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh tại đô thị ước khoảng 31.500 tấn/ ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 84% với mô hình phần lớn là các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực môi trường thì đã có nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia thu gom, vận chuyển CTR tại các đô thị.
Hiện nay, biện pháp xử lý CTR đô thị chủ yếu sử dụng ba công nghệ chính (chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt). Hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800 ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977 ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn.
Cả nước hiện cũng có khoảng 26 nhà máy xử lý CTR tập trung tại các đô thị, trong đó có ba nhà máy sử dụng công nghệ đốt, còn lại phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh kết hợp chôn lấp. Tổng công suất xử lý đạt khoảng 5.000 tấn/ngày.
Chi phí cho công tác xử lý CTR đô thị đã được quan tâm hơn, mức hỗ trợ xử lý CTR trung bình đạt khoảng 240.000 – 400.000 đồng/ tấn. Nguồn kinh phí này do Nhà nước bù đắp một phần, phần còn lại từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, mức thu còn thấp (từ 4.000 – 6.000 đồng/ người/ tháng hoặc 10.000 – 20.000 đồng/ hộ/ tháng tùy theo mỗi địa phương) và chỉ bù đắp một phần công tác thu gom, vận chuyển CTR.
Tại nông thôn, lượng rác ước khoảng 31.500 tấn/ ngày. Tỷ lệ thu gom rác vùng nông thôn còn thấp, khoảng 40-55% tùy địa phương. Công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều bất cập, chủ yếu là không tập trung khi người dân tự thu gom, đổ chất thải rắn.
Với hiện trạng như trên, việc thu gom, xử lý CTR đang tiếp tục là vấn đề cấp bách ở đô thị và khu vực dân cư nông thôn. Việc chôn lấp không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và chiếm nhiều diện tích. Các nhà máy xử lý CTR hoạt động chưa có hiệu quả cao do công nghệ chưa hoàn chỉnh, nguồn kinh phí cho việc vận hành khó khăn dẫn đến hoạt động cầm chừng…
Lượng CTR ở nông thôn chưa thu gom, xử lý còn khá lớn. Chủ trương thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR còn nhiều bất cập, tính khả thi thấp. Vốn đầu tư vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn NSNN (trung bình 4.300 tỉ đồng/năm), ý thức, nhận thức của cộng đồng về việc giảm thiểu, phân loại, xử lý CTR còn chưa cao, đặc biệt là việc phân loại rác tại nguồn.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cũng như của chính quyền địa phương trong giữ vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại để đảm bảo xử lý rác; các địa phương đảm bảo hoàn thành các quy hoạch quản lý xử lý CTR trên địa bàn.
Bộ Xây dựng hoàn thành quy hoạch CTR cấp vùng còn lại ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tận dụng các nhà máy xử lý CTR đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động hết công suất làm nhà máy của vùng.
Về cơ chế, phó thủ tướng cho rằng cần tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách liên quan phù hợp, tránh chồng chéo, dàn trải, áp dụng thí điểm cho một số dự án thí điểm từ cơ sở, từ đó nhân rộng các mô hình phù hợp, thành công.
Đặc biệt, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu rà soát lại vấn đề công nghệ các nhà máy để đưa ra công nghệ phù hợp, đảm bảo việc xây dựng các nhà máy có tính khả thi, tránh đầu tư tràn lan nhưng không hiệu quả.
(Nguồn: hiendaihoa.com)