Sáng ngày 03/4/2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, UBIFRANCE và UCMTF (liên minh các nhà chế tạo thiết bị tại Pháp), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Ngân hàng HSBC (Việt Nam), đã phối hợp tổ chức hội thảo ”Công nghệ và dịch vụ Pháp dành cho ngành dệt và kỹ thuật Việt Nam”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có bà Hồ Thị Kim Thoa – thứ trưởng Bộ Công thương, đại diện các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, bảy công ty hàng đầu đến từ Pháp trong ngành thiết bị, máy móc, dịch vụ phục vụ chuyên ngành dệt may.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn – phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi, ngành dệt may Việt Nam, trong thời gian tới chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị để thích ứng với yêu cầu mới của thị trường, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP được thông qua.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đang có xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư vào ngành dệt may từ Trung Quốc sang thị trường mới nổi, do nước này đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao và thiếu hụt nguồn lao động, qua so sánh tương quan của các nước mới nổi như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh, thì Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lựa chọn hơn, nhờ lợi thế nhân công dồi dào, giao thông thuận lợi, xuất khẩu phát triển. Việt Nam được đánh giá là chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu trong thời gian tới.
Cùng với sự gia tăng về đầu tư, yêu cầu về chất lượng đối với các sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng cao hơn, bên cạnh đó để được hưởng các ưu đãi trong TPP, thì ngành phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, quy định công ước từ sợi trở đi, do đó chắc chắn sẽ có xu thể đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị của ngành trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu mới.
Các đại biểu tham dự đang lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội thảo
Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, ngành dệt may hiện nay cũng chưa giải quyết được “nút thắt cổ chai” tại công đoạn sản xuất vải. Năm 2013, ngành may sử dụng 7,4 tỷ mét vuông vải, nhưng phải nhập khẩu tới 6 tỷ mét vuông, tình trạng này khiến ngành may lệ thuộc rất nhiều vào phương thức gia công dẫn đến giá trị gia tăng không cao.
Thời gian qua, làn sóng đầu tư vào ngành tăng mạnh, nhưng chủ yếu là các dự án sản xuất sợi, may mặc, các dự án đầu tư cho dệt, nhuộm rất ít, do đó, việc gặp gỡ bảy công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, máy dệt của Pháp lần này, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngành tiếp cận với các máy móc hiện đại nhằm phát triển ngành dệt nhuộm Việt Nam đáp ứng nhu cầu mới của thị trường xuất khẩu.
Pháp hiện là nước đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt, với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD/năm.
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)