Trong những thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao với những con số GDP ấn tượng. Tuy nhiên, có một thực tế là mức tăng trưởng này không hề tính đến những chi phí do suy giảm tài nguyên và thiệt hại môi trường gây tổn hại cho nền kinh tế.
GDP xanh
Khái niệm về GDP xanh đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ những năm 70 của thập niên 20. Cụ thể, nhiều nước phát triển đã xem xét đến những thiệt hại môi trường và sự suy giảm tài nguyên trong tăng trưởng kinh tế, nỗ lực giảm thiểu các thiệt hại này trong quá trình tăng trưởng. Từ đó, khái niệm tăng trưởng kinh tế xanh đã hình thành. Hiện nay kinh tế xanh đã và đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ở châu Á, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… đều đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chiến lược, chính sách phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hay bền vững. Trong đó phải kể đến “Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam” ban hành năm 2004 và gần đây nhất là dự thảo “Khung chiến lược tăng trưởng xanh 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Tuy nhiên, để chiến lược trên được hiện thực hóa thành công thì còn nhiều việc cần phải làm.
Trước hết là phải rút kinh nghiệm từ việc thực hiện “Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam” năm 2004. Trên thực tế, định hướng này đã đề ra rất nhiều mục tiêu cần đạt được trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường nhưng lại không đưa ra được chỉ số để xác định việc hoàn thành các mục tiêu này như thế nào. Do vậy, phải đợi đến năm 2006 khi Quốc hội đề ra một số chỉ tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 2006 – 2010 như tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân cư tiếp cận nước sạch, tỷ lệ thu gom rác thải, tỷ lệ khu chế xuất, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung… thì mục tiêu trên mới bắt đầu được triển khai. Chỉ có điều, nhiều chuyên gia cho rằng những chỉ số trên cũng chưa phải là thật sự hoàn thiện, chưa bao quát mục tiêu của định hướng chiến lược phát triển bền vững. Do đó, rút kinh nghiệm với các mục tiêu của khung chiến lược tăng trưởng xanh 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, nhất thiết phải nghiên cứu và đề ra các chỉ tiêu, chỉ số để có thể đo lường và giám sát được hiệu quả thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh. Dự kiến đầu năm 2014, Chính phủ đưa vào sử dụng chỉ số GDP xanh. Đây chính là chỉ số rất quan trọng để có thể đo lượng được mục tiêu của chiến lược. Tuy nhiên, trên hết các vấn đề này là phải xây dựng giải pháp để làm thế nào hướng đến nền kinh tế xanh.
Sản xuất sạch tại công ty cổ phần Kido. Nguồn: SGGP
Lồng ghép giải pháp xanh trong phát triển kinh tế
Đây có thể được xem là biện pháp phổ biến và hiệu quả mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Theo đó, ngoài việc giám sát chặt chẽ mục tiêu đặt ra thì 3 yếu tố không kém phần quan trọng đó là cần lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường vào quy hoạch phát triển; tập trung phát triển khoa học và công nghệ và cuối cùng là đề cao tiêu dùng “xanh”.
Về yếu tố lồng ghép môi trường vào trong các quy hoạch phát triển bền vững thể hiện rõ nhất ở việc ban hành các quy định về đánh giá môi trường chiến lược trong các đồ án quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, các quy định về quy hoạch môi trường. Hiện việc triển khai quy trình này còn khá nhiều bất cập mà nguyên nhân là do hạn chế trong nhận thức của chính quyền địa phương và tư vấn quy hoạch về môi trường. Họ thường xem đánh giá môi trường chiến lược chỉ là điều kiện cần để đồ án được thông qua. Do vậy, cũng dễ thấy khi sự tham gia đánh giá tác động môi trường chiến lược của lực lượng chuyên gia môi trường rất hạn chế. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm, thực hiện đồng bộ hóa quy trình đánh giá môi trường chiến lược trong tất cả các ngành; đảm bảo trình tự thực hiện đánh giá môi trường phải song song với các bước thực hiện quy hoạch; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực về việc lồng ghép yếu tố môi trường vào quy hoạch phát triển cho các địa phương. Quan trọng nhất là có quy định bắt buộc đối với trình độ chuyên môn của các chuyên gia về phụ trách đánh giá môi trường.
Còn về vấn đề tập trung cho phát triển công nghệ tại sao lại được coi là cần thiết. Bởi vì hầu hết công nghệ sản xuất tại nước ta đang ở mức lạc hậu, rất lạc hậu. Điều này đã tạo ra sức ép hết sức nặng nề đối với môi trường. Đơn cử, hiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy đốt than, đốt dầu chỉ đạt 28% – 32%, thấp hơn các nước khác khoảng 10%. Hoặc hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt 60% thấp hơn mức trung bình trên thế giới 20%… Tăng trưởng xanh cũng có nghĩa là phát triển một nền kinh tế sạch, hiệu quả, giảm sự lãng phí tài nguyên và năng lượng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều này, nhất thiết phải sử dụng những công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến cho năng suất cao. Và phát triển khoa học công nghệ chính là yếu tố sống còn để tạo nên điều này.
Sự thành công của nền kinh tế xanh phụ thuộc nhiều vào quyết định của người tiêu dùng. Khi cộng đồng nhận thức rõ và cổ động cho tiêu dùng xanh, thì chính họ sẽ đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải thể hiện trách nhiệm với xã hội, với môi trường trong hoạt động của chính mình. Và cũng thông qua đó, các doanh nghiệp tự chuyển hướng sang sản xuất xanh để phù hợp với xu thế phát triển thực tế. Do đó, công tác nâng cao nhận thức của cộng đồng người tiêu dùng về lối sống xanh hay tiêu dùng xanh là vô cùng quan trọng.
Thực hiện đồng bộ được nhiều giải pháp trên thì con đường đi đến nền kinh tế xanh của nước ta tuy còn dài nhưng nhất định sẽ đạt đến đích cao.
(Nguồn SGGP)