Khung pháp lý hiện hành cho phát triển năng lượng tái tạo Chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam được điều hành dựa vào nhu cầu cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì nhu cầu về năng lượng của Việt Nam được dự báo tăng bốn lần từ 2005 – 2030 và nhu cầu về điện sẽ tăng chín lần từ 2005 – 2025, do đó việc khai thác năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhận thấy được tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng. Theo đó, thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 1855/QD-TTg ngày 27/12/2007 phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050, và quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 phê duyệt qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (tổng sơ đồ VII), quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” trong đó:
Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050, tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió và sinh khối từ 3.5% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2010 lên 4.5% năm 2020 và 6% năm 2030.
Về nhiên liệu sinh học, chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng hàng năm 100 nghìn tấn xăng E5 và 50 nghìn tấn B5 vào năm 2010 tương đương với 0.4% tổng nhu cầu xăng dầu dự kiến của cả nước; 1.8 triệu tấn xăng ethanol và dầu thực vật hay 5% nhu cầu xăng dầu vào năm 2025. Xăng E5 là loại xăng chứa 5% xăng sinh học trong tổng thể tích; B5 là dầu chứa 5% dầu sinh học trong tổng thể tích.
Để có thể đạt được các mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ nhận được ưu đãi đầu tư, ưu đãi về biểu giá điện và ưu đãi thuế. Các nhà đầu tư có thể hưởng các ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế sử dụng đất trong một khoảng thời gian. Cụ thể thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT – BTC – BTN&MT ngày 04/07/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định mục tiêu, điều kiện được trợ cấp và phương pháp tính toán mức trợ cấp cho một đơn vị sản xuất, số tiền trợ cấp hàng năm, điều khoản trợ cấp và quy trình nộp hồ sơ yêu cầu trợ cấp cho các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên các ưu đãi hiện hành chưa đủ để hình thành nên các điều kiện phù hợp cho việc lập kế hoạch và triển khai các dự án năng lượng tái tạo cũng như bán các sản phẩm của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các ưu đãi này chỉ có lợi cho những dự án thủy điện nhỏ chứ không mang lại lợi ích nhiều cho các dạng năng lượng tái tạo khác.
Một số đề xuất nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển và giá năng lượng tái tạo hợp lý Khi xây dựng chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào bốn điểm quan trọng đó là:
Thứ nhất, mục tiêu chính sách phải được xác định rõ ràng, được đông đảo người dân ủng hộ, có cơ chế thúc đẩy linh hoạt mà vẫn đảm bảo sự ổn định. Đây là nền tảng triển khai thành công chính sách khuyến khích giá điện năng tái tạo cùng nhiều công cụ chính sách khác làm đòn bẩy thúc đẩy tương lai bền vững của điện năng tái tạo.
Thứ hai, quy trình ra quyết định liên quan đến năng lượng tái tạo cần thể hiện tính minh bạch, trách nhiệm, sự phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan. Đây là điểm quan trọng để thu hút nhà thầu chất lượng đối với các dự án năng lượng tái tạo nhờ sự minh bạch, công khai trong suốt quá trình thực hiện.
Thứ ba, việc lên kế hoạch và thực thi chính sách về năng lượng tái tạo phải dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng và công nghệ tương xứng với những bước đi rõ ràng, chặt chẽ từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Điều này giúp cho việc vận hành tốt cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian dài.
Đây là những yếu tố quan trọng cho việc triển khai rộng rãi công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, giá cả hợp lý cho các loại năng lượng.
Xây dựng quy hoạch năng lượng quốc gia Nước ta có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo nhưng cho tới nay vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ, và chính xác rằng tiềm năng đó là bao nhiêu, khả năng khai thác và sử dụng đến mức độ nào. Chính vì vậy, việc xây dựng quy hoạch sẽ giúp xây dựng bộ số liệu đầy đủ, hệ thống và tin cậy về tiềm năng khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo. Từ đó xác định phương án hợp lý phát triển năng lượng cho các giai đoạn cụ thể cho từng vùng, miền ở Việt Nam.
Xây dựng cụ thể và triển khai chương trình sản xuất điện từ năng lượng tái tạo Trong lộ trình triển khai thực hiện cần đưa ra các mốc thời gian cho từng giai đoạn. Ban đầu, nên ưu tiên mô hình nguồn điện tập trung có lưới tải và phân phối điện hạ áp 220V. Vì, nguồn điện này thích hợp với các thiết bị điện phổ thông, dễ dàng điều hòa được nhu cầu phụ tải. Thêm vào đó, việc quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng thuận lợi hơn. Mặt khác, cần tổ chức mạng lưới dịch vụ cung cấp các thiết bị chuyên dụng trong hệ thống điện năng lượng tái tạo như bộ điều khiển, bộ biến đổi điện… và biên soạn các tài liệu hướng dẫn vận hành, bảo trì, bảo dưỡng dưới dạng ngắn gọn, dễ hiểu cung cấp rộng rãi cho người dân.
Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản về công nghệ năng lượng tái tạo Một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo đó là đầu tư nghiên cứu về công nghệ năng lượng tái tạo để áp dụng những công nghệ phù hợp nhất cho việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo với từng vùng, miền ở Việt Nam. Đồng thời giúp chủ động được công nghệ trong quá trình khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo.
Các bạn đang xem “phần 2” của loạt bài “Thực trạng năng lượng tại tạo Việt Nam và hướng phát triển bền vững”, để xem “phần 1” vui lòng nhấn vào đây
(Nguồn: nangluongvietnam.vn)