Ngày nay, mạng tàu hàng đường sắt Mỹ được công nhận là một trong những mạng đường sắt năng động nhất thế giới. Khối công nghiệp 60 tỷ USD này gồm 140.000 dặm (224.000 km) do bảy đường sắt cấp 1 (đường sắt có thu nhập vận tải 433,2 triệu USD hoặc lớn hơn) khai thác chạy tàu cùng với 21 đường sắt khu vực và 510 đường sắt địa phương.
Hệ thống 224.000 km này không chỉ chuyên chở khối lượng hàng nhiều hơn bất kỳ hệ thống nào trên thế giới, tạo ra 221.000 việc làm, mà còn đem lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn như: giảm tắc nghẽn giao thông, giảm tai nạn tử vong đường bộ, giảm tiêu thụ nhiên liệu và hiệu ứng nhà kính, giảm chi phí hậu cần vận tải và chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng.
Hàng hóa được vận chuyển ra sao? đường sắt vận chuyển những hàng có khối lượng lớn như ngũ cốc, than bằng toa hàng. Hàng tiêu dùng thường được chuyên chở bằng container và sử dụng phương thức vận tải liên vận. Vận tải liên vận là chuyên chở bằng tàu hỏa trước/sau khi chuyển sang những phương tiện khác như máy bay, tàu biển, ô tô. Từ năm 1980, phương thức vận tải này đã phát triển rất mạnh.
Hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy, đường ống, đường bộ và hàng không. đường sắt chiếm gần 40% tấn-dặm tổng hàng hóa vận chuyển trong nước và chiếm 16% tấn hàng hóa.
Bình quân mỗi người dân Mỹ, mỗi năm vận chuyển khoảng 40 tấn hàng, thì có thể nói, hàng hóa mà người dân sử dụng hàng ngày đã được vận chuyển hoàn toàn hoặc một phần bằng đường sắt. Trong vận tải hàng đường sắt, 91% là hàng có khối lượng lớn như nông sản, sản phẩm năng lượng, ô tô và phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, hóa chất, than, thiết bị, thực phẩm, kim loại, khoáng chất và giấy. Còn 9% là vận tải liên vận, thường là hàng tiêu dùng và tạp phẩm khác.
Về liên vận quốc tế, mạng vận tải hàng đường sắt Mỹ nối với Canada và Mexico qua các cửa khẩu chính. Các cửa khẩu này cho phép vận tải hàng đường sắt đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu xuất khẩu quốc gia và tạo điều kiện an toàn và hiệu quả cho việc nhập hàng hóa.
Hệ thống vận tải hàng bền vững Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vận tải hàng đường sắt hoạt động chủ yếu trong các thị trường cạnh tranh, trong đó quản lý điều hành quyết định của sự thành công. WB đưa ra những hướng dẫn thực hành tối ưu cho hoạt động kinh doanh vận tải hàng đường sắt gồm tám khuyến cáo về quản lý như sau:
Thị trường có mục tiêu và sản phẩm phù hợp yêu cầu. Vận tải hàng đường sắt là một phương thức phục vụ cho một số khách hàng không phải là thị trường số đông. Những công ty vận tải hàng thành công là những công ty biết xây dựng mục tiêu thị trường một cách có chiến lược, phù hợp nhất với năng lực của mình và áp dụng những cách thức riêng phù hợp với yêu cầu khách hàng.
Chi phí chuyên chở thấp: Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy chi phí chuyên chở thấp là nguồn tiềm năng hấp dẫn nhất dễ cạnh tranh vận tải hàng đường sắt. đường sắt có thể có được mức chi phí thấp nhất khi kéo hàng nặng khối lượng lớn, với mật độ chạy tàu cao, làm cho chi phí trên đơn vị cơ sở hạ tầng thấp và kéo tàu dài làm cho chi phí vận doanh thấp.
Quản lý chi phí và chi phí cận biên: Hình thành và duy trì quy trình chuyên chở chi phí thấp và có lợi nhuận, các nhà cung ứng vận tải hàng đường sắt cần hiểu cơ cấu chi phí của mình và chi phí dành riêng phục vụ khách hàng. Trong thực tế, nhiều đường sắt hiểu ít hoặc không hiểu về chi phí và chi phí cận biên khi phục vụ những thị trường cá thể.
Giá cả phù hợp thị trường: Sự hiểu biết về chi phí giúp định hướng thị trường và định giá sàn, sự cạnh tranh (chứ không phải là giá cả) sẽ quyết định chiến lược giá vận tải hàng đường sắt.
Coi cơ sở hạ tầng là đầu tư cho kinh doanh: Lựa chọn công nghệ, hoạch định chính sách bảo trì và đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất cần thiết cho khả năng cạnh tranh của đường sắt.
Kéo nhiều hàng với ít phương tiện: Tàu xếp đủ với tải trọng thực, vận dụng tốt đầu máy toa xe là những biện pháp hiệu nghiệm nhất đối với chi phí vận doanh đường sắt và hứa hẹn lợi nhuận cao khi tăng tấn trục, xếp hàng cao và sử dụng vốn lớn.
Nối tiếp tàu với các phương tiện phụ trợ: Liên hợp vận tải và vận tải đa phương tiện là biện pháp mà đường sắt có thể tăng thị trường nơi đến mà không cần tăng thêm chiều dài mạng đường.
Tương lai vận tải hàng Để cạnh tranh trong vị thế thị trường toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống, cần đầu tư có hiệu quả cơ sở hạ tầng vận tải và thực hiện các giải pháp cải tiến vận tải. Một phương hướng để thực hiện yêu cầu trên là hình thành các hợp tác công – tư, trong đó các công ty tư nhân cùng chính phủ hợp tác bảo trì, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng vận tải. Đầu tư cho vận tải đường sắt qua hợp tác công – tư là phương thức tốt nhất để đáp ứng những thách thức về vận tải trong tương lai, đồng thời đem lại những lợi ích vô cùng to lớn như giảm tắc nghẽn giao thông, giảm tử vong trên đường bộ, giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí nhà kính, giảm chi phí hậu cần vận tải và bảo trì cơ sở hạ tầng công cộng.
Trước những thách thức đó, vận tải hàng đường sắt luôn đề xuất những giải pháp với cố gắng liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Một trong những giải pháp đó là vận tải liên hợp, để các container hàng hóa được đường sắt chuyên chở khắp đất nước, để hàng hóa có thể được trung chuyển từ phương tiện này sang phương tiện khác và được đưa tới đích cuối cùng. Hiệu quả của vận tải đa phương tiện còn lớn hơn khi sử dụng toa container hai tầng. Với việc nâng cao dịch vụ và phương tiện, khả năng cạnh tranh vận tải liên vận đường sắt ngày càng cao, thu hút ngày càng nhiều hàng hóa.
(Nguồn: baoduongsat.vn)