Hiện chi phí đầu tư vào điện gió, điện mặt trời là rất lớn, tuy nhiên, có thể giải quyết phần nào bài toán về vốn bởi lợi thế hiện có của Việt Nam nằm ở chỗ các công ty Bắc Âu vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên kinh doanh tại Việt Nam.
Đó là những gợi ý của ông Sigmund Strømme, chủ tịch phòng thương mại Bắc Âu (Nordcham). Theo ông, tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất cao trong khi các nước Bắc Âu lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển ngành công nghiệp này. Do đó, hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này cần được khai phá vì tiềm năng và cơ hội là vô cùng to lớn.
Nhiều cơ hội mở ra… Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư vào điện gió, điện mặt trời lên tới 10-15 cent/kWh trong khi đầu tư vào điện khí chỉ phải trả 5 cent/kWh. Mức giá đó tất yếu không hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là khi giá điện khống chế mức giá trần nên nhà đầu tư càng khó trong việc thu hồi vốn.
Tuy nhiên, có thể giải quyết phần nào bài toán về vốn bởi lợi thế hiện có của Việt Nam nằm ở chỗ, các công ty Bắc Âu vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên kinh doanh tại Việt Nam. Theo phản ánh của nhiều công ty Bắc Âu, họ sẽ làm việc với người tiêu dùng, doanh nghiệp địa phương và các cơ quan chính phủ thông qua các cuộc thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến để có thể hỗ trợ dân cư nông thôn Việt Nam có một nguồn điện an toàn và ổn định từ nguồn năng lượng tái tạo.
“Theo quan điểm của Nordcham, dựa trên một tầm nhìn dài hạn, các thành viên của chúng tôi rất tin tưởng vào việc đầu tư tại Việt Nam. Một số công ty Bắc Âu hiện đã tăng cường đầu tư và số lượng công ty mới được thành lập cũng tăng lên đáng kể trong những năm qua” – ông Sigmund Strømme cho hay.
Cần cải thiện thể chế Mục tiêu phát triển năng lượng gió đã được chính phủ Việt Nam đưa vào quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tính riêng năng lượng gió tại Việt Nam sẽ chiếm 5,6% tổng lượng điện sản xuất trong nước, tương đương 1.000MW. Đến năm 2030, năng lượng gió chiếm khoảng 9,4% tương đương 6.200MW.
Ông Sigmund Strømme nhận định, mục tiêu này của Việt Nam có thể thành hiện thực với sự đóng góp tích cực từ các khoản đầu tư trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, trước khi hiện thực hóa kế hoạch, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và thể chế.
Cụ thể, tăng cường các cơ chế chính sách và quy định đảm bảo sự phát triển của các dự án điện gió và mặt trời. Đồng thời, tăng cường minh bạch trong các quyết định của chính phủ về vấn đề năng lượng cũng như có những ưu đãi khuyến khích phát triển dự án và đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời.
Việc cải thiện chất lượng lưới điện và hạ tầng truyền dẫn, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ cũng như có bảo lãnh chính phủ đối với việc mua điện gió và mặt trời giữa các nhà cơ sở tư nhân và người tiêu dùng thương mại cũng là một trong những biện pháp mà ông Sigmund Strømme gợi ý cho Việt Nam.
Ông Sigmund Strømme cũng đặc biệt nhấn mạnh, nếu những vấn đề trên chưa được giải quyết, dòng vốn đầu tư từ các công ty Bắc Âu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục bị hạn chế vì có nhiều rủi ro.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)