Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối đẩy quốc gia này phải lựa chọn giữa minh bạch hoàn toàn hoặc duy trì cơ chế quản lý thông tin.
Tháng 4/2018, chiến dịch phòng chống xâm hại tình dục #MeToo tại Trung Quốc dậy sóng mạnh mẽ khi Yue Xin – sinh viên đang theo học tại Đại học Bắc Kinh công bố bức thư thuật lại chi tiết những hành động quấy rối tại nhà trường. Nguyên nhân xuất phát từ việc Yue Xin yêu cầu ban giám hiệu nhà trường phải làm rõ vụ việc xảy ra cách đây 20 năm, khi sinh viên khoa ngữ văn Gao Yan lúc đó bị một giáo sư cưỡng hiếp và phải tự tử.
Sự việc lúc bấy giờ tạo nên làn sóng lên án mạnh mẽ từ phía công chúng. Việc kiểm duyệt của chính phủ với bức thư cũng như những tranh luận xung quanh hành động cũng được đẩy lên cao. Để tránh việc dữ liệu bị xâm phạm hay xóa bỏ, các nhà hoạt động sinh viên tải bức thư lên hệ thống blockchain Ethereum.
Hành động này là ví dụ đầu tiên cho khả năng đưa tài liệu lên chuỗi khối nhằm tránh khỏi sự kiểm duyệt thông tin. Đồng thời, nó cũng mở ra một cánh cửa mới, đẩy các nhà chức trách Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi một mặt muốn trở thành quốc gia tiên phong toàn cầu về công nghệ blockchain. Mặt khác, chính phủ vẫn muốn kiểm soát thông tin.
Trung Quốc đang đứng trong thế lưỡng nan khi ứng dụng công nghệ Blockchain. Ảnh: Newfoodmagazine
Một trong những đặc tính quan trọng của nền tảng blockchain là tính minh bạch. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không thể thay đổi được. Đối với các hoạt động quản trị, việc ứng dụng blockchain có thể giúp hạn chế tham nhũng, tăng cường các hành vi tốt, đảm bảo an toàn lương thực và loại bỏ các hiện tượng lừa đảo. Công nghệ chuỗi khối có thể khiến sự thiếu minh bạch này chỉ còn là quá khứ.
Tuy nhiên, mặt khác, việc kiểm soát thông tin vốn đã được áp dụng ở Trung Quốc suốt nhiều năm qua. Hành động này tuy vấp phải nhiều sự chỉ trích nhưng cũng nên nhìn nhận một sự thật rằng, dù ít hay nhiều, việc hạn chế thông tin mà các nhà cầm quyền Trung Quốc áp dụng cũng góp phần không nhỏ trong việc duy trì sự ổn định và thịnh vượng quốc gia. Theo các số liệu thống kê, cuộc sống của người Trung Quốc ngày nay đã tốt hơn rất nhiều lần so với 30 năm trước.
Hành động gửi bức thư của Yue Xin lên mạng lưới blockchain của các sinh viên Đại học Bắc Kinh cho thấy công nghệ này có thể đe dọa sự ổn định cũng như chính sách kiểm soát thông tin. Tuy vậy, quốc gia này luôn muốn trở thành số một thế giới về đổi mới công nghệ, nên vẫn sẽ đẩy mạnh quá trình nắm bắt, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain.
Sự tiếp cận một cách thận trọng
Đối với công nghệ blockchain, Chính phủ Trung Quốc có những bước đi rất nhanh và mạnh mẽ. Hàng Châu và Thâm Quyến công bố thành lập quỹ để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Phúc Kiến được đầu tư phát triển để trở thành trung tâm công nghệ mới.
Trung Quốc cũng là quốc gia đi đầu về các đăng ký bản quyền sáng chế liên quan đến blockchain. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và “ông lớn” công nghệ Alibaba là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ này.
Mặc dù đầu tư cho phát triển và ứng dụng blockchain trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia nhưng quốc gia này cấm hoàn toàn giao dịch tiền thuật toán và phát hành tiền thuật toán lần đầu. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, điều này sẽ hạn chế các rủi ro về tài chính gây nên bởi các “bong bóng tiền thuật toán” vốn đã thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhược điểm của chính sách này là các công ty khởi nghiệp blockchain của Trung Quốc phải tìm đến những quốc gia thân thiện hơn như Singapore. Gần như tất cả startup blockchain tại Trung Quốc đều có văn phòng đại diện tại đây.
Tài chính có thể là lĩnh vực mà công nghệ blockchain được áp dụng nhanh nhất tại Trung Quốc. Rich Hong, CEO của Blockchain Community App cho biết: “Về bản chất, có thể áp dụng blockchain trong mọi lĩnh vực. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc có khả năng ứng dụng công nghệ này nhiều nhất ở Ngân hàng Trung ương và lĩnh vực tiền tệ”.
Các hoạt động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng gợi mở đến khả năng này. Vào đầu tháng 3, viện nghiên cứu thuộc đơn vị này đã triển khai nền tảng mở để phát triển quyền sở hữu trí tuệ độc lập trên hệ thống blockchain. Ngoài tài chính, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang phát triển thêm nhiều hướng đi khác để cải thiện những vấn đề trong xã hội. Alibaba mới đây công bố một chương trình thí điểm sử dụng nền tảng blockchain để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Giám đốc Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết việc cơ quan trung ương không thể nắm giữ được quyền kiểm soát dữ liệu tối cao và không thể tắt hay xóa bỏ hoàn toàn công nghệ chuỗi khối là trở ngại lớn nhất khi ứng dụng blockchain. Ông nói: “Nhìn chung, cơ chế quản trị thành viên trên chuỗi vẫn đang được khám phá. Hiện nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Vì vậy, chúng tôi cần phải chú ý cũng như nghiên cứu sâu hơn nữa”.
Việc cơ quan trung ương không thể nắm giữ được quyền kiểm soát dữ liệu tối cao và không thể tắt hay xóa bỏ hoàn toàn công nghệ chuỗi khối là trở ngại lớn nhất khi ứng dụng blockchain.
Việc phải quản trị blockchain như nào không phải là thử thách riêng chính phủ Trung Quốc. Paavani Reddy, quản trị viên của trung tâm châu Á – Thái Bình Dương của chương trình phát triển Liên hợp quốc cho biết: “Chính phủ các nước châu Á dường như muốn áp dụng blockchain, nhưng vẫn có những sự lo ngại về việc làm thể nào để ứng dụng nó một cách tốt nhất. Tuy vậy, với phần lớn chính phủ, những lợi ích quản trị có được từ ứng dụng công nghệ này đang dần vượt xa những rủi ro”.
Trong bất kì cuộc thảo luận nào về công nghệ blockchain, việc nhiều học thuyết vốn thấm nhuần trong suy nghĩ của chúng ta không còn ứng dụng được nữa là điều có thể xảy ra bởi đó là sự vận động tự nhiên của công nghệ. Ông Reddy nhận định: “Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn tìm hiểu về ‘cơ học lượng tử’ của một thế giới có blockchain sẽ trở nên như thế nào”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Một vấn đề vẫn luôn tồn tại trong quá trình tìm hiểu về blockchain là chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận nó thông qua lăng kính của ‘nền kinh tế cũ’. Chúng ta cần phải dùng một lăng kính khác để hiểu một cách toàn diện về nó”.
Để xem các tin bài khác về khởi nghiệp, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Vi Vũ/VnExpress, TechinAsia)