Thị phần vận tải đường sắt (ĐS) trong nhiều nước rất thấp. Theo phân tích của Tư vấn Chiến lược Roland Berger, ĐS Mỹ có thị phần hàng hóa cao nhất, 40% về vận chuyển hàng hóa nhờ có nhiều lợi thế, như có nhiều tuyến tàu hàng dài. Thị phần hàng hóa ĐS ở Nga và Trung Quốc cũng tương tự, nhưng thị phần hàng hóa ở châu Âu thì thấp hơn, chỉ từ 10% đến 20%.
Trong vận tải khách, hành khách đường ngắn chiếm tỷ lệ áp đảo, nhưng ở châu Âu thị phần ĐS phần lớn dưới 10% và ở Mỹ dưới 1%, cao nhất là ở Nga và Trung Quốc tới 29%.
Vậy làm sao để nâng cao được thị phần trong vận tải hỗn hợp? Nhiều biện pháp đã được đề xuất. Cơ quan Tư vấn Chiến lược Roland Berger đã hỏi các ứng viên là cán bộ chủ chốt của ngành ĐS, căn cứ vào đó, họ xếp hạng thành bảy biện pháp “đòn bẩy” theo mức độ quan trọng trong mối tương quan giữa các biện pháp, mà không tách riêng từng ưu tiên một.
Ảnh minh họa
Biện pháp chiếm thứ hạng cao nhất là Tăng thêm đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm cả làm đường mới như ở Trung – Á, Trung Quốc, Brazil cũng như nâng cấp mạng đường hiện có, loại trừ các điểm thắt cổ chai, nâng cao tốc độ và năng lực. Thời gian qua, nhiều nơi đầu tư cho cơ sở hạ tầng ĐS đã kích thích các hoạt động kinh tế, như metro ở Ấn Độ, Trung Quốc, cao tốc tàu khách, nâng cấp hành lang tàu hàng ở Bắc Mỹ.
Rõ ràng là trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của ĐS không thể thiếu vai trò của tư nhân. Với một cơ cấu hoàn chỉnh, tăng thêm đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải được góp vốn từ hai phía, công cộng và tư nhân mà trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ĐS và các nhà cung ứng.
Nâng cao hiệu quả và hoạt động kinh doanh của các công ty ĐS đứng hàng thứ hai. Trong đó có vấn đề nâng cao hoạt động hướng về khách hàng, đưa ra cho khách hàng các sản phẩm vận tải tốt nhất, thực hiện vận chuyển đa phương thức, vận tải không đứt quãng, từ nhà – tới -nhà, đồng thời, đơn giản hóa bộ máy, tối ưu hóa các tác nghiệp để giảm chi phí vận doanh.
Hoạt động kinh doanh đứng ở hạng cao đã phản ánh quan điểm là lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu quan trọng. Tăng cường hiệu quả kinh doanh sẽ tạo điều kiện để giảm chi phí vận doanh, xây dựng giá cước và giá vé cạnh tranh, tăng cường hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra nhiều sáng kiến, đổi mới dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng mới.
Biện pháp thứ ba, là đổi mới công nghệ cung ứng, mang lại những công nghệ tiên tiến và những phương tiện, thiết bị mới, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Nhiều nhà cung ứng hàng đầu, nhiều công ty chạy tàu và quản lý cơ sở hạ tầng liên kết với các tổ chức cùng tiến hành nghiên cứu.
Biện pháp được xếp hạng thứ tư là tạo một sân chơi cho các chuyên gia công nghiệp cùng các nhà lãnh đạo, để xem xét, so sánh về phí cơ sở hạ tầng và thuế, các chi phí ngoại lai và phí môi trường, giữa các phương tiện vận tải để có quan điểm công bằng. Ở nhiều nước, ĐS phải gánh chịu chi phí về hạ tầng, trong khi đường bộ chỉ chịu chi phí gián tiếp qua xăng dầu hoặc nơi có trạm thu phí đường.
Giải pháp tăng cường sự ủng hộ và lòng tin của nhân dân đối với vận tải ĐS được xếp hạng thứ năm. Ở nhiều nơi, sự ủng hộ của nhân dân tập trung trong việc đảm bảo một mạng nhiều đường với sự tiếp cận hết sức thuận lợi với tần suất tàu địa phương cao. Tuy vậy, nhiều lãnh đạo ĐS không nhận thấy sự ủng hộ đó để tăng thị phần cho ĐS.
Biện pháp thứ sáu là tăng cường sự liên thông, thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải trong nước và quốc tế. Tuy vậy có ĐS cho rằng so với khối lượng vận tải trong nước, nhất là vận tải hành khách thì vận tải qua biên giới không phải là lớn lắm nên trước hết cần tăng cường liên thông trong nước.
Biện pháp thứ bảy là tự do hóa ngành ĐS, phát huy tính năng động, tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Một số phương hướng chỉ đạo của EU đã vô hiệu hóa những cố gắng của ngành ĐS nhằm hạn chế sự suy giảm thị phần ĐS trong hai thập kỷ qua tại các nước đã thực hiện tự do hóa ĐS.
(Nguồn: baoduongsat.vn)