Từ 1-7 tới đây, các cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xử phạt xe không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp đặt nhưng không hoạt động.
Tại cuộc công bố kết quả thanh tra thiết bị giám sát hành trình ngày 27-5, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã công bố nhiều thông tin rất đáng lo ngại về hiện trạng xe khách chạy quá tốc độ hiện nay và giải đáp nhiều lo ngại của dư luận về tính chất pháp lý của các thông tin khai thác từ thiết bị này.
Các xe khách ở Bến xe miền Đông sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Phóng viên: Theo các quy định hiện hành, các cơ quan chức năng đã có đủ thẩm quyền để trích xuất những thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của các đơn vị vận tải?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện cả nước có 48.000 xe trong diện phải lắp đặt thiết bị GSHT. Trong các quy định hiện hành, tôi khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ thẩm quyền để trích xuất thông tin từ thiết bị GSHT. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ trích xuất các thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông theo quy định gồm: thông tin về xe, lái xe, hành trình của xe, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục. Các cơ quan chức năng sẽ không trích xuất những thông tin liên quan đến quản lý kinh doanh nội bộ.
Phóng viên: Những thông tin trích xuất từ thiết bị này nếu phát hiện vi phạm thì có được sử dụng để phạt nguội hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Nếu theo quy định, những lỗi có thể xử phạt là chạy quá tốc độ, vi phạm số lượng mở cửa xe, lái xe quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một ngày… Tuy nhiên, những lỗi trên được phát hiện từ thiết bị GSHT thì chưa bị xử phạt do chưa đủ cơ sở pháp lý, nếu muốn xử phạt phải bổ sung vào nhiều văn bản khác. Ví dụ Bộ Công an đã quy định thiết bị nào được phép dùng để xử phạt, như máy đo tốc độ, cân tải trọng đã được bổ sung… nhưng thiết bị GSHT thì chưa mặc dù những lỗi về tốc độ do các thiết bị GSHT cung cấp rất đáng giật mình. Mới đây, chúng tôi đã kiểm tra 1.200 xe trong vòng 10 ngày, kết quả, bình quân 1 xe khách chạy quá tốc độ 22 lần, 1 xe buýt quá tốc độ 7 lần. Đặc biệt, xe chạy quá tốc độ nhiều nhất là 300 lần/ngày trong đó có khoảng 200 lần chạy quá 10km/giờ, 100 lần chạy quá 20km/giờ và cũng xe này chạy tốc độ cao nhất là 126km/giờ. Mặc dù chưa thể xử phạt hành chính các vi phạm này nhưng theo các quy định hiện hành thì từ 1-7 tới đây, khi một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, điều này sẽ tác động tích cực đến việc kiểm soát tốc độ chạy xe.
Phóng viên: Việc kiểm soát vượt tốc độ này chưa đảm bảo tính chính xác bởi mỗi loại đường có quy định về tốc độ khác nhau?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện các thiết bị này mới đo tốc độ vi phạm tối đa, tức là xe khách không được vượt quá 70km/giờ ở bất kỳ đường nào, xe tải không quá 60km/giờ, chứ chưa đo được vượt tốc độ cụ thể ở từng loại đường, ví dụ đường đô thị, đường xấu… Tuy nhiên, tiến tới chúng tôi sẽ xây dựng một bản đồ số về mạng lưới giao thông quốc gia làm cơ sở pháp lý để kiểm soát tốc độ phương tiện.
Phóng viên: Cần có một bộ máy như thế nào để tiến hành quản lý nhà nước về thiết bị GSHT?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trước mắt Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang đặt hàng một số doanh nghiệp sản xuất phần mềm tạo ra một phần mềm tự động truy cập thông tin, tổng hợp báo cáo hàng ngày về các xe vi phạm về tốc độ. Từ 1-7 đến 30-9 sẽ tổ chức chiến dịch, trong đó sẽ lấy tốc độ khai thác từ thiết bị GSHT để chấn chỉnh doanh nghiệp. Nếu không có gì thay đổi, ngày 15-6 tới đây sẽ có bản chạy thử và từ 1-7, chúng tôi sẽ cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về số lượng các xe vi phạm trong ngày, những xe nào, của doanh nghiệp nào, mức độ vi phạm ra sao.
Phóng viên: Liệu có thể can thiệp từ bên ngoài làm sai lệch thông tin từ thiết bị GSHT?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Có thể có, nhưng vi phạm có thể phát hiện ra bằng thuật toán. Trong phần mềm kiểm tra mà chúng tôi đã đặt hàng sẽ kiểm tra được thiết bị đó có hoạt động hay không, có dấu hiệu bị tác động hay không.
Chiều 27-5, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức họp báo công bố kết quả đợt 1 thanh tra giám sát kinh doanh vận tải bằng ô tô qua thiết bị GSHT. Theo đó, trong số 7 đơn vị cung cấp thiết bị GSHT được thanh tra, đã có 3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy vì có nhiều sai phạm và 2 doanh nghiệp khác phải khắc phục những tồn tại của thiết bị đã cung cấp ra thị trường trong vòng 3 tháng. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, hầu hết các phương tiện đã được lắp đặt nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện khai thác, quản lý thiết bị theo quy định. Nhiều doanh nghiệp không có người hiểu biết về thiết bị GSHT, các lái xe không thực hiện đăng nhập, đổi tên khi điều khiển phương tiện. Đối với 40 xe được phát hiện lắp đặt thiết bị không đúng quy định, Bộ GTVT đã yêu cầu sở GTVT địa phương thu hồi phù hiệu, số nhật trình…
(Nguồn SGGP)