Các công ty Nhật Bản ra mắt Hiệp hội Năng lượng gió ngoài khơi

Tháng Năm 20 08:00 2024

NHẬT BẢN – Mười hai công ty năng lượng lớn của Nhật Bản đại diện là công ty J-Power và NTT Anode Energy Corporation, đã hợp tác thành lập một hiệp hội năng lượng gió ngoài khơi. Hiệp hội Nghiên cứu Công nghệ Gió nổi ngoài khơi FLOWRA (Floating Offshore Wind Technology Research Association), đã chính thức bắt đầu hoạt động vào ngày 15/03/2024 sau cuộc họp diễn ra ở thành phố Tokyo.

Các công ty thành viên khác của liên doanh bao gồm: Kansai Electric Power, Kyuden Mirai Energy, Cosmo Eco Power, TEPCO, Marubeni, Chubu Electric, Mitsubishi Offshore Wind Corporation, Tokyo Gas, Tohoku, Hokuriku Electric và Eurus Energy.

Với việc chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu triển khai 10 GW công suất năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030 và 30-45 GW vào năm 2040, các công trình gió nổi ngoài khơi được cho là một thành phần quan trọng trong mục tiêu này. Do tính chất của thềm lục địa, Nhật Bản có nhiều tiềm năng lắp đặt các công trình nổi hơn là công trình đáy cố định. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ tiên tiến để giảm chi phí ban đầu cho việc lắp đặt các giàn khoan nổi ngoài khơi.

Tua bin gió nổi ngoài khơi Goto

Hiệp hội FLOWRA sẽ nghiên cứu phát triển công nghệ để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa năng lượng gió nổi ngoài khơi ở Nhật Bản. Hơn nữa, hiệp hội sẽ hợp tác trong các dự án nghiên cứu chung với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là về các chủ đề như tiêu chuẩn hóa hệ thống công nghệ gió nổi ngoài khơi.

Năm ngoái, Nhật Bản và Đan Mạch đã thống nhất hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ điện gió nổi ngoài khơi. Hiệp hội FLOWRA có thể là một nền tảng khả thi cho sự hợp tác, vì hai nước cũng cam kết đi đầu trong việc tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu để triển khai các công trình gió nổi ngoài khơi.

Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 27 triệu USD để hỗ trợ công nghệ gió nổi ngoài khơi. Thêm 2 tỷ USD sẽ được tài trợ thông qua trái phiếu chuyển đổi xanh của chính phủ để xây dựng chuỗi cung ứng liên quan cho các công trình gió nổi. Hiệp hội sẽ đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tài trợ này.

Nhật Bản dường như muốn đẩy nhanh lĩnh vực điện gió ngoài khơi, mới đây đã thông qua một sửa đổi cho phép mở rộng vùng biển dành riêng cho điện gió ngoài khơi đến Vùng đặc quyền kinh tế EEZ (Exclusive Economic Zone).

Để xem các tin bài khác về “Năng lượng gió”, hãy nhấn vào đây.

 

Nguồn: Maritime Executive

Bình luận hay chia sẻ thông tin