Có hai phương pháp kiểm tra chất lượng mối hàn là kiểm tra phá hủy và kiểm tra không phá hủy.
1. Kiểm tra phá hủy:
Đây là phương pháp sử dụng tác động cơ học hoặc hóa học để kiểm tra độ bền độ bền, tính chất cơ học của mối hàn. Cần phải lấy các mẫu thử cắt ra từ mối hàn sau đó kiểm tra theo các bước như trong thực tế.
Kiểm tra phá hủy là tên gọi chung của các phương pháp cơ bản sau: – Kiểm tra hóa học. – Kiểm tra ăn mòn. – Kiểm tra kim loại học. – Thử độ kéo, uốn, độ dai va đập, độ cứng,…
2. Phương pháp kiểm tra không phá hủy.
Đây là phương pháp kiểm tra mà sản phẩm hàn không bị phá hủy hoặc ảnh hưởng đến kết cấu nên có thể trực tiếp áp dụng lên sản phẩm hàn. Có nhiều phương pháp kiểm tra không phá hủy, tùy từng trường hợp và yêu cầu cụ thể mà lựa chọn áp dụng phương pháp thích hợp.
Kiểm tra không phá hủy bao gồm các phương pháp sau: – Kiểm tra bằng cách quan sát: Cách kiểm tra này đòi hỏi người thợ hàn phải có tay nghề cao và kinh nghiệm làm việc làm năm, có thể nhận biết chất lượng mối hàn bằng mắt thường hoặc sự trợ giúp của kính phóng đại. – Kiểm tra bằng mắt thường: Thực hiện sau khi dùng dụng cụ loại bỏ lớp xỉ hàn, dùng mắt quan sát và phát hiện các khuyết tật lớn xuất hiện trên mối hàn. – Kiểm tra bằng cách sử dụng kính phóng đại. Đối với các khuyết tật nhỏ hơn khó có thể phát hiện bằng mắt thường thì có thể sử dụng kính phóng đại để kiểm tra. – Kiểm tra bằng dưỡng: Dùng các dưỡng (mẫu) đã chế tạo sẵn theo các tiêu chuẩn để ướm vào mối hàn. Phương pháp này chỉ có thể kiểm tra được chiều rộng và chiều cao của mối hàn. – Kiểm tra bằng phương pháp chiếu xạ: Dùng các tia X, tia Gama để xuyên qua mối hàn, sau đó phát hiện các khuyết tật nhờ các vết sẫm xuất hiện trên tấm phim ở phía sau. – Phương pháp kiểm tra bằng siêu âm: Phương pháp này kiểm tra mối hàn bằng chùm sóng siêu âm chiếu vào mối hàn thông qua đầu phát. Theo nguyên lý sóng siêu âm sẽ đi qua môi trường đồng nhất và phản xạ trở lại. Đầu thu và thiết bị hiển thị sóng phản xạ trở lại sẽ cho ta biết mối hàn có khuyết tật hay không. – Kiểm tra bằng phương pháp thẩm thấu: Đây là phương pháp sử dụng các chất lỏng có khả năng thẩm thấu vào mối hàn nhờ tác động của lực mao dẫn lên các mối hàn chứa khuyết tật. Để kiểm tra cần có chất liệu màu (thường áp dụng màu trắng) để phết lên một phía của đường hàn. Chất lỏng thẩm thấu sẽ có màu khác (thường là màu đỏ) được phết lên phía còn lại của đường hàn. Sau một thời gian đợi thẩm thấu, nếu vệt màu trắng xuất hiện các dấu màu đỏ chứng tỏ mối hàn có khuyết tật.
(Nguồn: Cơ khí Hồng Ký )