Cánh đồng tua-bin gió lớn nhất châu Phi ở vùng Hạ Sahara vừa bắt đầu hoạt động tại Ethipopia, một bước tiến quan trọng cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của châu lục này.
Cánh đồng tua-bin gió ở Ethiopia gồm 84 tuabin công nghệ cao và có công suất 120 MW
Cánh đồng tua-bin gió được khánh thành hôm 26/10 do công ty Quốc tế Lahmeyer của Đức giám sát và thực hiện bởi tập đoàn Vergnet, Pháp. Tuy nhiên, chính phủ Ethiopia khẳng định cánh đồng gió cũng là sản phẩm của nước này.
Cánh đồng gió gồm hệ thống 84 tua-bin công nghệ cao được xây dựng trên một vùng đất khô cằn thuộc Mekelle, Tigray, nằm cách thủ đô Addis Ababa hơn 700 km về phía bắc.
Đây là dự án có số tiền đầu tư thực hiện lên đến khoảng 280 triệu USD, được hoàn thành sau ba năm rưỡi. Cánh đồng tua-bin gió có công suất 120 MW và sản xuất được khoảng 400 triệu KWh mỗi năm.
Theo các cơ quan chức năng, dự án này có thể mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho các công ty quốc gia của Ethiopia, khi các công ty này đang xây dựng nhiều công trình dân dụng như cơ quan điều tra địa kỹ thuật, hệ thống đường xá, cơ sở tua-bin, các công trình lắp đặt điện cơ…
Ethiopia đang thực hiện các kế hoạch nhằm mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu trong khu vực. Trong hai năm qua, Ethiopia đã xây dựng hai cánh đồng tua-bin gió nhỏ hơn ở gần Adama, với công suất ở mỗi nơi là 51 MW.
Tình trạng thiếu điện vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trong khu vực. Hai phần ba dân số sinh sống ở khu vực châu Phi hạ Sahara thiếu điện sinh hoạt, 85% người dân sống ở các khu vực hẻo lánh không được tiếp xúc với nguồn điện sinh hoạt thông thường.
(Nguồn: vnexpress.net)