CHLB ĐỨC – Ngành công nghiệp và nghiên cứu luôn có những phát minh cũng như sáng kiến lấy cảm hứng từ môi trường tự nhiên. Hiện, các nhà khoa học đến từ một số trường đại học tại CHLB Đức đã phát triển một loại cấu trúc bề mặt có khả năng giảm lực cản, mang lại lợi ích cho hàng loạt ứng dụng trong ngành công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Jade ở Wilhelmshaven, bang Lower Sachsen và Đại học Khoa học Ứng dụng Mittweida ở bang Sachsen, CHLB Đức đã lấy cảm hứng từ da cá mập để tạo ra một loại cấu trúc có tên Hai-Tech (Hai có nghĩa là cá mập trong tiếng Đức). Theo nghiên cứu, thay vì một bề mặt hoàn toàn trơn tru, da cá mập có những hàng vảy rất nhỏ (riblets). Người ta kỳ vọng rằng nếu có một làn da mịn, cá mập sẽ có thể di chuyển nhanh hơn trong nước, nhưng điều đó không đúng. Trong thực tế, các hàng vảy trên da cá mập là yếu tố chính làm giảm lực cản và phá vỡ các xoáy nước khi chúng di chuyển, tạo ra một hiện tượng được gọi là hiệu ứng riblet. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã áp dụng cấu trúc bề mặt da của loài cá này cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như để sản xuất tua bin gió, tua bin khí hay thân máy bay. Đồng thời, cấu trúc này còn có thể làm giảm lực cản do nhớt, giúp máy móc hoạt động hiệu quả hơn. Hiện, các nhà nghiên cứu đã phát triển một chương trình để dự đoán hiệu quả mà cấu trúc riblet có thể mang lại.
Hiệp hội kỹ sư Đức (VDI) cũng đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của môi trường tự nhiên đối với ngành công nghiệp. Vì vậy, họ đã thành lập một bộ phận sinh học của riêng mình vào năm 2007, với mục tiêu chính là tăng cường sự hợp tác giữa các hoạt động nghiên cứu và ngành công nghiệp.
Để xem các tin bài khác về “Công nghệ bề mặt”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: David Schahinian/ Hannover Messe)