Trên tuyến đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải, các đoàn tàu G1,2 thực hiện hành trình trên đoạn đường dài 1023 km đi và đến Nam Kinh với tốc độ bình quân 280,3 km/h. Trong khi đó, trên tuyến đường sắt cao tốc tương đối ngắn Bắc Kinh – Thiên Tân có không dưới 76 đoàn tàu chạy mỗi ngày với hành trình dài 118 km trong khoảng thời gian 33 hay 34 phút – đây thực sự là dịch vụ tàu cao tốc mật độ cao để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc thực sự vượt lên trên tất cả các mạng lưới đường sắt cao tốc của các quốc gia khác.
Tất nhiên, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mở rộng với các tuyến đường mới đi xuống phía nam tới Thượng Hải, Quảng Châu và được nối với tuyến Cáp Nhĩ Tân – Đại Liên ở phía bắc và tuyến đi về phía tây tới Tây An. Chỉ trong vài năm nữa, hầu như các thành phố lớn của Trung Quốc đều được nối với Bắc Kinh với hành trình đi đến trong ngày bằng đường sắt cao tốc.
Pháp hiện đứng thứ hai với mạng lưới đường sắt cao tốc lớn và rất thành công của mình. Hầu như không có thay đổi lớn đối với thời gian hành trình chạy nhanh nhất với việc tăng giảm một vài phút. Tốc độ chạy nước rút 271,8 km/h trên tuyến đường sắt cao tốc Phyias đông (LGV Est) giữa ga TGV Lorraine và ga TGV Champagne-Ardenne vẫn là đoàn tàu đặt chỗ trước chạy nhanh nhất ở châu Âu. Ngược lại, đoàn tàu cao tốc TGV 6134 cho thấy tốc độ bình quân cao có thể đạt được như thế nào trên hành trình cự ly dài trên tuyến đường dành riêng cho việc chuyên chở hành khách, khi đoàn tàu này thực hiện hành trình dài 30,6 km từ ga TGV Aix-en Provence tới Paris với tốc độ 257,8 km/h – đây là một trong số hành trình ga đi – đến dài nhất ở châu Âu.
Hãy nhấn vào ảnh để xem ở chế độ toàn màn hình
Tàu cao tốc ICE của đường sắt Đức
Đứng ở vị trí thứ ba, Tây Ban Nha vượt lên trên Nhật Bản về tốc độ, mặc dù về nhiều mặt đây không phải tự nhiên mà có. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha có một số tuyến dài với số ga dừng đỗ dọc đường ít. Giống như Nhật Bản, do khác khổ đường nên các tuyến đường sắt cao tốc phải chạy thẳng vào trung tâm các thành phố lớn, nên chúng không phải chạy chậm hơn trên đoạn tuyến đường sắt sẵn có như ở các nước khác. Tất nhiên, người ta có thể tranh cãi rằng kết quả đạt được của Tây Ban Nha khá dè dặt, song điều này phản ánh rằng đường sắt Quốc gia Tây Ban Nha RENFER chú trọng tới độ tin cậy và việc đi đến đúng giờ thông qua việc cam kết bồi hoàn tiền vé cho hành khách khi tàu về chậm.
Toàn bộ các đoàn tàu cao tốc của Tây Ban Nha đều có kế hoạch chạy khá căng, điều này giúp Tây Ban Nha vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng. Mặc dù RENFER hy vọng trong thời gian tới sẽ đưa vào khai thác đoàn tàu chạy với tốc độ 350 km/h thông qua việc đưa vào sử dụng hệ thống tín hiệu ETCS cấp độ hai, song hiện tại các đoàn tàu cao tốc của Tây Ban Nha vẫn đang bị giới hạn ở tốc độ 300 km/h. Giống như Pháp, tàu cao tốc chạy nhanh nhất ở Tây Ban Nha là hành trình chạy nước rút giữa hai ga dừng đỗ kế tiếp trên hành – ở đây là trên tuyến đường sắt cao tốc Barcelona. Một sự lặp lại nữa các kết quả đạt được của Pháp là các dịch vụ chạy đường dài với tốc độ cao, trong trường hợp này là giữa Madrid – Barcelona, tại đây hàng ngày một số đoàn tàu AVE thực hiện với hành trình dài 621 km trong khoảng thời gian 2h30 phút, đạt tốc độ bình quân là 248 km/h.
Mặc dù Nhật Bản tụt xuống đứng ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng, song nói một cách công bằng thì không có khác biệt lớn về kết quả giữa Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Kể từ lần nghiên cứu trước đến nay đã có một số dịch vụ tàu cao tốc của Nhật Bản tốc độ vận hành đã được nâng lên, với đường sắt Đông Nhật (JR East) hiện đang đứng ở ví trí đầu tiên nhờ việc đưa vào khai thác đoàn tàu chạy với tốc độ 320 km/h trên tuyến đường sắt cao tốc shinkansen Tohoku. Đoàn tàu cao tốc Hayabusa bốn và năm của đường sắt Đông Nhật đã đẩy mác tàu Nozomi chạy nhanh nhất của đường sắt Trung Nhật xuống vị trí thứ ba và thứ tư trên bảng xếp hạng. Thậm chí các dịch vụ tàu cao tốc hành trình ngắn hơn chạy ngang Nhật Bản trên tuyến shinkansen Joestsu cũng được đưa vào bảng xếp hạng với hành trình chạy không dừng giữa Omiya và Niigata đạt tốc độ 246 km/h.
Vị trí cuối trong bảng xếp hạng các đường sắt cao tốc đứng đầu thế giới là Đài Loan, tại đây một lần nữa việc nâng tốc độ vận hành của các đoàn tàu cao tốc hiện có đã đưa Tổng công ty đường sắt cao tốc Đài Loan THSRC vào câu lạc bộ đường sắt cao tốc có tốc độ vận hành từ 250 km/h trở lên, với 22 đoàn tàu chạy mỗi ngày thực hiện hành trình dài 179,5 km giữa Zyoing và Đài Trung với tốc độ 256 km/h.
Các bạn đang xem “phần 3” của loạt bài “Chạy nhanh bao nhiêu thì vừa”, để xem “phần 2” vui lòng nhấn vào đây.
(Nguồn: baoduongsat.vn)